“Cú sốc” giá xăng dầu tăng có những tác động bất lợi đối với nền kinh tế, sắp tới giá cả hàng hóa sẽ còn tăng nữa, một phần vì cước vận chuyển cao hơn, phần vì tâm lý, “té nước theo mưa”, lấy cớ giá xăng tăng để tăng giá, cuối cùng người tiêu dùng sẽ chịu nhiều “thiệt thòi”.
Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Vậy trước những tác động rất lớn từ việc tăng giá xăng dầu liên tiếp và tăng cao, giải pháp nào cho Việt Nam? Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trong bối cảnh quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên việc điều hành giá xăng dầu nói riêng, việc điều hành giá nói chung.
Tại kết luận mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê phối hợp trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng, Phó Thủ tướng lưu ý.
Sau đợt điều chỉnh tăng giá hôm 21/2, giá xăng hiện đang cao ở mức kỷ lục, vượt hơn 26.200 đồng/lít. Đây lại là mặt hàng đầu vào của các doanh nghiệp nên có sự tác động không hề nhỏ tới nền kinh tế nói chung. Nhiều gia đình đã buộc phải điều chỉnh lại vấn đề chi tiêu khi rơi vào cảnh “giá hàng hóa tăng nhưng lương không tăng”.
Tổng Hợp