Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa phê duyệt quyết định tăng vốn góp tại Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Vốn điều lệ của Bất động sản Hòa Phát dự kiến sẽ tăng từ 2.700 tỷ lên 6.000 tỷ, trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,967%.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát sẽ quản lý phần vốn góp tăng thêm. Tính riêng quý IV/2021, mảng bất động sản mang về cho Tập đoàn Hòa Phát 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, song vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng lợi nhuận hợp nhất là 7.420 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu lĩnh vực bất động sản cũng chỉ đóng góp trên 0,7% trong tổng doanh thu hợp nhất 44.711 tỷ đồng và thấp hơn nhiều lần so với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép – mảng chủ lực. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đạt mức kỷ lục 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cán mốc 34.520 tỷ đồng, tăng gấp 1,56 lần. Hòa Phát đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất mục tiêu là 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.
Như vậy, khép lại năm 2021, tập đoàn này đã vượt 26% kế hoạch về doanh thu và 92% kế hoạch về lợi nhuận. Năm 2022, ở lĩnh vực bất động sản, tập đoàn cho biết đang tập trung mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư một số dự án nhà ở, khu đô thị dịch vụ.
Trước đó, từ ngày 7.6 người dân thôn Đông Lỗ xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn- liền kề với nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất, Quảng Ngãi đã phản ứng tập thể bằng việc dựng lều bạt, căng dây trước cổng nhà máy. Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở đây phản ứng tập thể, yêu cầu sớm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, hoặc chấm dứt ngay ô nhiễm môi trường. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đến đối thoại với người dân. Ông Minh sau đó có kết luận, yêu cầu CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất chấm dứt việc tổ chức triển khai công giai đoạn 2 trong khu vực mặt bằng 115 ha cho đến khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định pháp luật. Về đất tái định cư, ông Minh giao UBND huyện Bình Sơn chậm nhất tháng 10/2021 khởi công xây dựng khu tái định cư Vạn Tường, hoàn thành sau 12 tháng để có quỹ đất bố trí người dân vào ở.
Nhiều người dân phản ánh, trong 2 năm nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (giai đoạn 1) hoạt động dự án gây ô nhiễm môi trường khiến người dân lo lắng, bất an. Trong khi đó, việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hơn 4 năm qua vẫn chưa xong.
Sự việc cho thấy rằng người dân không phải quá cực đoan, khắt khe đến mức liều mạng vi phạm pháp luật, dựng lều ngăn cản sản xuất của nhà máy. Việc sẽ bị ô nhiễm, buộc phải di dời là vấn đề biết trước. Ngay cả việc chậm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cũng có thể được người dân thông cảm, nhưng phải có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát về thời điểm giải quyết để họ còn tính toán làm ăn, ổn định cuộc sống.
Tổng Hợp