Để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.
Kết luận tại cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này cần phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ ban hành các công cụ, cơ chế chính sách quản lý pháp luật và giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.
Vài chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng từng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu. Điều này cũng khiến việc điều hành khó linh hoạt, dẫn tới nguồn hàng khan hiếm khi có trục trặc từ nguồn cung trong nước. Cụ thể, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày; doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô 30-60 ngày. Tuy nhiên, tại Nghị định 95 vừa có hiệu lực từ đầu năm nay, mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút ngắn xuống 20 ngày.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam áp dụng cơ chế điều hành giá theo quy trình 10 ngày một lần. Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp đều đã biết tình hình giá cả thế giới. Vì thế, nếu biến động có xu hướng tăng lên thì dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp găm hàng lại, đến chu kỳ công bố giá tới mới bán. Chính những điều này tạo ra tác động trong điều hành.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, ngay đầu năm nay thị trường xăng dầu thế giới có những biến động. Thêm nữa, nguồn cung trong nước cũng gặp trục trặc khi Nghi Sơn giảm công suất. Điều này dẫn đến những khó khăn trong điều hành. Tuy nhiên, nói như vậy song theo ông Cường, những bất cập bộc lộ cũng cho thấy chính sách điều hành còn “hơi cứng”, chưa linh hoạt.
Còn giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này chỉ ra, bất cập sâu xa nằm ở quỹ bình ổn. Ông đặt câu hỏi: Ai có trách nhiệm bình ổn giá? Doanh nghiệp hay Nhà nước, người dân? Nếu để người dân tự bỏ tiền ra bình ổn, lúc quỹ âm, doanh nghiệp tự ứng vốn để bình ổn như hiện nay thì bất cập sẽ còn lặp đi lặp lại.
Theo ông, ở thời điểm sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, phía Bộ Công Thương cho biết tiếp tục giữ quỹ này để điều tiết thị trường xăng dầu. “Khi giá xăng giảm, quỹ bình ổn dương thì mọi thứ trơn tru, khi quỹ âm là sẽ bộc lộ ra rất nhiều vấn đề. Với xu hướng tăng như hiện nay thì có bình ổn bằng quỹ được đâu”, vị giám đốc doanh nghiệp đặt vấn đề.
Trước kỳ điều hành ngày 11/2, tại không ít tỉnh thành trên cả nước, tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng xuất hiện. Phía Bộ Công Thương cho rằng tình hình nêu trên được cải thiện sau đợt tăng giá ngày 11/2. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh, sau phiên điều chỉnh giá này, tình trạng nguồn cung đến nay vẫn tiếp tục hạn chế. Doanh nghiệp khóc ròng vì… càng bán càng lỗ.
Tối muộn 16/2, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) than với Dân trí: “Doanh nghiệp khó khăn lắm. Hoa hồng bằng 0 đồng, lỗ tiền vận chuyển, chi phí bán hàng, mặt bằng, lãi vay… Cứ đà này thì doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải đóng cửa mất”.
Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội bày tỏ chưa cần tính đến hôm nay, ngay hôm giá tăng lên kỷ lục (ngày 11/2- PV), doanh nghiệp vẫn lỗ. “Điều hành xăng dầu hiện bất cập lắm. Nhiều dự báo giá dầu thế giới còn tăng lên tới 120 USD/thùng, thậm chí còn có dự báo sốc lên tới 150 USD/thùng. Cứ với đà này, tình trạng bất ổn của thị trường trong nước còn kéo dài, lặp đi lặp lại”, vị này chia sẻ.
Tổng Hợp