Dịch bệnh đang đảo lộn cả xã hội, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế phá sản. Giá xăng dầu giảm sâu, chứng khoán đỏ sàn, doanh nghiệp thoi thóp và cầu khấn dịch bệnh sớm qua.
Nhiều doanh nghiệp có quỹ dự phòng rủi ro, nay coi như lấy “lương khô” ra cầm chừng. Doanh nghiệp nào phải vay nợ ngân hàng (kinh doanh, hầu hết đi vay) ngồi trên đống lửa. Nổi bật nhất lúc này, chỉ có doanh nghiệp làm khẩu trang, nước sát khuẩn và một số đơn vị ngành dược. Có không ít doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh phục vụ nhu yếu phẩm chống dịch, tuy có đầu ra, nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất cũng không dễ tìm.
Một kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà Trung Quốc đã áp dụng thành công: Chia địa phương thành 3 mức độ khác nhau. Theo đó, tỉnh nào có nguy cơ cao sẽ cách ly để chống dịch triệt để; địa phương nào rủi ro vừa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng; những nơi rủi ro thấp được khôi phục hoàn toàn sản xuất và đời sống.
Các tỉnh rủi ro thấp không hạn chế giao thông đường bộ, chính quyền địa phương không được phép đưa ra bất cứ điều kiện nào gây cản trở việc khôi phục sản xuất của doanh nghiệp và phải hỗ trợ giải quyết các khó khăn về nhân công, nguyên liệu, vốn và thiết bị…
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng vừa phân loại 3 mức, nhưng qua quan sát, nhiều tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp đều muốn tiếp tục được cách ly xã hội như các địa phương nguy cơ cao. Điển hình như Thanh Hóa tuyên bố sẽ cách ly tới 30/4. Tỉnh nắng gió ngập tràn như Đắk Lắk, văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh cũng đậm chất “cách ly”.
Ở đây có thể hiểu tâm lý quản trị của hầu hết các lãnh đạo tỉnh: Sợ dịch bệnh và hệ lụy của nó. Đến nỗi như Lâm Đồng, Đắk Lắk…, Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch thời gian đầu cách ly xã hội đã nhanh tay ra văn bản cấm tiệt khách sạn đón khách (sau đó đã phải sửa sai). Cấm là hành động dễ làm nhất trong công tác quản trị.
Quản là hành động đòi hỏi các kỹ năng vận dụng và mất nhiều trí lực, đương nhiên không nhiều người muốn. Nhiều văn bản của một số tỉnh không khác gì hình thức một số người đổ đất, rào đường hoặc sợ hãi quá đến mức trốn vào rừng. Rõ ràng, dịch bệnh đang thử thách bản lĩnh và kỹ năng điều hành của nhiều người đứng đầu địa phương, ban ngành…
Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn. Cứ 10 doanh nghiệp mới ra đời, có tới 6 “chết lâm sàng”.
Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn tài chính, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu nhân công…, những đặc trưng của thời kỳ dịch bệnh. Đương nhiên, trong quý 2 này, có bói cũng không ra doanh nghiệp nào thành lập. Hệ lụy từ sự đình trệ, “những cái chết” của doanh nghiệp chắc chắn tác động không nhỏ tới xã hội. Sẽ xảy ra những bi kịch trước tiên từ nhóm người yếu thế trong xã hội.
Những cây ATM gạo, sự sẻ chia của người dân chỉ có tính giai đoạn. Quản trị lúc này phải có giải pháp trước mắt và hậu cách ly phục hồi sản xuất, chứ không nên ngủ vùi trong tổ kén chờ dịch bệnh qua đi; cũng đừng trông chờ hoàn toàn vào Chính phủ.
Các giải pháp của Chính phủ chỉ hiệu quả thực sự khi có sự cộng hưởng qua các giải pháp cụ thể từ địa phương. Lúc đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có cơ may được hưởng lợi chính sách để tồn tại, phục hồi.
Phân loại mức độ như một đề bài Chính phủ giao cho chính quyền địa phương giải. Nhìn góc độ khác, cũng giống như giao cho một cơ hội để tư duy quản trị. Lửa thử vàng. Trước thềm Đại hội Đảng, người dân sẽ chấm điểm những người có trách nhiệm qua thử thách này.