Việc đẩy mạnh sử dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng giúp nhiều ngân hàng thu hẹp quy mô nợ có khả năng mất vốn, đặc biệt là trong quý 4. Nợ khả năng mất vốn nhiều ngân hàng tăng mạnh cuối năm nhưng bên cạnh đó một số ngân hàng khác đang giảm.
Nợ nhóm 5 của BIDV giảm mạnh nhờ đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2021. Bên cạnh việc liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi, nhà băng này cũng đã sử dụng gần 19.345 tỷ đồng quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, riêng quý 4 dùng hơn 7.200 tỷ đồng. Trong 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán, BIDV là nhà băng giảm được nhiều nợ nhóm 5 nhất trong quý 4 khi xử lý được 6.901 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%. Còn so với cuối năm 2020, nợ có khả năng mất vốn của BIDV đã giảm hơn một nửa xuống còn 6.979 tỷ.
Vietcombank cũng giảm được gần 1.868 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong 3 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên so với hồi đầu năm nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này vẫn nhích nhẹ thêm 73 tỷ, tương đương tăng 2%. Tương tự BIDV, Vietcombank cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng trong năm 2021 với số dư sử dụng lên tới 2.538 tỷ đồng.
Bên nhóm ngân hàng tư nhân, nợ nhóm 5 của SHB giảm gần một nửa trong quý 4 xuống còn hơn 2.500 tỷ đồng. Trước đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này đã tăng thêm 1.135 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lên xấp xỉ 4.937 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2021. Tính chung cả năm 2021, nợ có khả năng mất vốn của SHB giảm được hơn 1.300 tỷ, tương đương 34%.
VIB cũng giảm mạnh được nhóm nợ xấu nhất trong quý 4 vừa qua. Cụ thể, đến cuối tháng 12, nhà băng này có 733 tỷ nợ có khả năng mất vốn, giảm 885 tỷ so với mức ghi nhận tại thời điểm 30/9/2021. Trước đó, nợ nhóm 5 của VIB đã tăng thêm 24 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2021. Tính chung cả năm 2021, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng giảm 861 tỷ đồng, tương đương giảm 54%. Báo cáo tài chính cho thấy VIB đã sử dụng hơn 915 tỷ đồng dự phòng rủi ro cụ thể để xử lý nợ xấu trong năm tài chính vừa qua, gấp gần 2 lần năm 2020. Riêng quý 4 dùng hơn 407 tỷ đồng, chiếm gần 1 nửa tổng dự phòng rủi ro sử dụng trong năm 2021.
Một loạt ngân hàng cũng chứng kiến nợ nhóm 5 giảm hàng trăm tỷ trong quý 4 như HDBank (-272 tỷ), ABBank (-156 tỷ), MSB (-147 tỷ), VietCapital Bank (-133 tỷ),… Ngược lại, 7 trong tổng số 27 ngân hàng được khảo sát có nợ có khả năng mất vốn tăng trong 3 tháng cuối năm 2021. Trong đó, VietinBank ghi nhận thêm 1.659 tỷ, đưa tổng dư nợ nhóm 5 lên mức hơn 5.200 tỷ. Mặc dù vậy, so với cuối năm 2020, nhóm nợ này của VietinBank đã giảm được 848 tỷ đồng, tương đương giảm 14%.
Viet A Bank cũng bất ngờ có thêm 369 tỷ nợ nhóm 5 trong quý 4. Tính chung cả năm 2021, nợ nhóm 5 của nhà băng này đã tăng gần gấp đôi lên 432 tỷ.
Tại Techcombank, ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng 312 tỷ trong quý vừa qua. Trước đó, số dư nhóm nợ này chỉ tăng gần 100 tỷ sau 3 quý đầu năm. 4 ngân hàng khác cũng chứng kiến nợ có khả năng mất vốn gia tăng trong 3 tháng cuối năm gồm Sacombank (+227 tỷ đồng), VietBank (+269 tỷ), Bac A Bank (+250 tỷ), SeABank (+36 tỷ).
Tính chung 27 ngân hàng khảo sát, tổng nợ có khả năng mất vốn tại thời điểm 31/12/2021 ở mức hơn 42.000 tỷ, giảm hơn 10.200 tỷ so với cuối quý 3 và giảm hơn 13.750 tỷ so với hồi đầu năm. Trong bối cảnh hoạt động cho vay mở rộng mạnh mẽ trong quý 4/2021, tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ của các ngân hàng đã giảm sâu xuống còn 0,58%, từ mức 0,87% hồi đầu năm và 0,75% tại thời điểm cuối quý 3.\
Xu hướng thu hẹp quy mô của nợ nhóm 5 trong quý 4 nói riêng và cả năm 2021 nói chung có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng Hợp