Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng trong năm 2021. Theo Bộ Xây dựng, việc đấu giá cao bất thường tác động làm tăng giá nhà ở, gây thêm khó khăn cho người dân…
Bộ Xây dựng mới đây cũng chỉ thêm lý do khiến giá nhà leo thang. Cụ thể, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có đánh giá chi tiết về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đến thị trường nhà ở, bất động sản. Theo Bộ này, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điều này có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.
Trước hết, trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó lấy mức giá này để làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá. Điều này sẽ có lợi cho các dự án mới được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Thứ hai, theo Bộ Xây dựng, các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm còn có ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.
Thứ ba, giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản; các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả.
Bộ Xây dựng cho rằng việc tác động làm tăng giá nhà ở sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở. Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến sẽ không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai, theo Bộ Xây dựng,…
Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 – 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 – 20%; giá đất nền tăng 20 – 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Nói riêng về phân khúc căn hộ, một trong những nguyên dân dễ thấy nhất dẫn đến việc tăng giá là do nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác được giới chuyên gia chỉ ra như những chi phí liên quan đến đất, nhân công, vật liệu xây dựng tăng.
Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản chứng kiến tình trạng nguồn cung căn hộ lao dốc. Nguyên nhân là do tác động của việc cấp phép dự án chậm trong một vài năm gần đây và ảnh hưởng nặng nề của đợt phong tỏa phòng dịch giữa năm 2021.
Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, giá bán trung bình căn hộ vẫn leo thang. Sang năm 2022, phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Nhận định về thị trường bất động sản năm 2022, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng câu chuyện chính vẫn là giá nhà tăng. Bất động sản Việt Nam đang bị lạm phát giá bởi thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp thực hiện dự án gặp vướng mắc về pháp lý và đây chính là chi phí đẩy, khiến giá trị đầu vào của sản phẩm gia tăng. Ông Khương lấy ví dụ, giá nhà tại TP Thủ Đức đã lên đến 80 – 100 triệu đồng/m2. Đây là rủi ro của nền kinh tế. Một rủi ro nữa là khi dòng tiền của người dân tập trung vào hai nguồn chính là chứng khoán và bất động sản.
Với nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu vẫn khá cao trên thị trường vào năm 2022 nhưng do giá tăng cao nên sẽ khó khăn cho người có nhu cầu thực ở phân khúc tầm trung. Phân khúc giá từ 2 – 3 tỷ đồng dự báo sẽ tăng giá mạnh. Đối với nhà đầu tư tổ chức, họ không còn làm dự án theo kiểu quỹ đất nhỏ lẻ, bởi TP HCM cũng đã hết quỹ đất. Sau đợt dịch vừa rồi, mọi chiến lược đầu tư dự án của các chủ đầu tư ít nhiều đều thay đổi. Họ sẽ có chiến lược tìm quỹ đất tại các thành phố vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,…với quy mô vài chục đến vài trăm ha.
Tổng Hợp