Phần lớn chuyên gia và công ty chứng khoán đều cho rằng, bất động sản là một trong những ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng nhất trong giai đoạn sắp tới.
Thời gian qua, có thể thấy giá bất động sản không giảm, qua đó phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào thị trường bất động sản tương đối dồi dào. “Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường là diễn biến dễ hiểu trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và dòng tiền mạnh sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng đáng kể trong năm 2022”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia tới từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường bất động sản luôn được kỳ vọng có tiềm năng tăng trưởng. Đặc biệt, với việc mở cửa dần trở lại nền kinh tế, các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, lãi suất và lạm phát ở mức thấp, cùng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, giúp các ngành có liên quan trong đó có bất động sản được hưởng lợi.
Nam Long ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5.205 tỷ đồng và 1.477 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 134% và 73% so với năm 2020. Công ty cho biết, doanh thu trong năm 2021 có mức tăng trưởng ấn tượng là nhờ sự đóng góp từ Dự Án Akari City Nam Long khi doanh thu bàn giao của dự án này vượt kế hoạch 20%. Nam Long đặt kế hoạch doanh thu 13.519 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy, Nam Long đã hoàn thành hơn 38% chỉ tiêu doanh thu và 108% kế hoạch lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Nam Long tại thời điểm 31/12/2021 tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt hơn 23.717 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 74%. Trong đó, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi từ 3 đến 12 tháng) đạt gần 3.900 tỷ đồng, gấp 3,5 lần đầu năm.
Trong nhóm các doanh nghiệp địa ốc năm 2021, đặc biệt không thể bỏ qua sự “bứt phá” của CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO). Mặc dù trước đó lỗ 4 quý liên tiếp, song lũy kế cả năm 2021, CEO ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 901 tỷ đồng và 82 tỷ đồng. Năm 2021, CEO đặt kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi hơn 305 tỷ đồng trong quý IV, CEO đã “về đích” thành công, qua đó hoàn thành 102,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
năm 2021, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 85.093 tỷ đồng và 39.231 tỷ đồng, tăng 19% và 39% so với năm 2020.
Năm 2021, Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 35.000 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành gần 95% kế hoạch doanh thu và 112% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Vinhomes cho biết việc các địa phương dần kiểm soát được dịch bệnh đã giúp hoạt động kinh doanh của công ty có sự bứt phá, hàng loạt sự kiện mở bán và hoạt động truyền thông được Vinhomes triển khai kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, tổng tài sản của Vinhomes đã phình to lên hơn 230.000 tỷ đồng (hơn 10 tỷ USD), tăng gần 7% so với đầu năm. Có thị phần bất động sản dẫn đầu các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ, năm 2021, Novaland tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2 với mức lợi nhuận sau thuế 3.460 tỷ đồng; doanh thu thuần đạt hơn 14.967 tỷ đồng, tăng gần 186% so với cùng kỳ 2020.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Novaland đạt 201.520 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận hơn 109.767 tỷ đồng, tăng 26,4% so với 31/12/2020, chủ yếu từ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne và việc nhận chuyển nhượng các dự án mới. Bên cạnh đó, 92,5% tổng hàng tồn kho (tương đương hơn 101.515 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, VN-Index tăng 3,33 điểm, tương đương 0,22% lên 1.500,99 điểm. Các nhóm cổ phiếu trụ cột đã có sự phân hóa mạnh trong phiên hôm nay với đà tăng từ nhóm ngân hàng, thép. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp địa ốc chịu sức ép lớn, nhiều mã quay đầu giảm điểm như VHM (-1,22%), NVL (-1%), KDH (-0,4%)…, thậm chí CEO, DIG còn giảm sàn.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, trong một năm trở lại đây (từ 8/2/2021-8/2/2022), đa phần các mã cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, phải kể đến CEO và DIG khi lần lượt ghi nhận mức tăng 465% và 185%. Xếp sau là VPI với gần 100%, HDG tăng 96,5%, DXG tăng 89,3%, NVL tăng 81,2%…
Đặc biệt, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ cũng đã giúp các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn. Qua mùa BCTC, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã công bố lợi nhuận quý IV và năm 2021 tăng mạnh, đạt hàng trăm tỷ đồng; trong đó phải kể đến những “sếu đầu đàn” như CTCP Vinhomes (VHM), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland – NVL), CTCP Tập đoàn Hà Đô hay CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).
Tổng Hợp