Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Vay nợ của Thế Giới Di Động lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD.
Theo đó, doanh thu thuần đạt 36.138 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.563 tỷ đồng, đều lên cao nhất từ trước đến nay. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng 33% và 66%. Tại thời điểm 31/12/2021, Thế Giới Di Động có tổng tài sản 62.983 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ đồng so với đầu năm (+37%).
Đáng chú ý, vay nợ ngắn hạn của Thế Giới Di Động tại thời điểm cuối năm 2021 tăng vọt, lên 21.879 tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm 2020. Cộng thêm 2.768 tỷ đồng vay nợ dài hạn, tổng vay nợ của Thế Giới Di Động là 24.647 tỷ đồng. Với đặc điểm hoạt động kinh doanh là bán hàng thu tiền ngay, Thế Giới Di Động chủ yếu vay nợ ngắn hạn. Hầu hết các khoản vay này là vay tín chấp, có kỳ hạn trong khoảng 1-3 tháng với lãi suất thả nổi.
Trong hơn 1 tỷ USD vay nợ của Thế Giới Di Động, phần lớn là các khoản vay tại các ngân hàng nước ngoài. Riêng tại BNP Parias, Thế Giới Di Động vay gần 3.000 tỷ đồng. Các ngân hàng ngoại khác cho vay hơn 1.000 tỷ đồng có HSBC Singapore (1.807 tỷ đồng), Sumitomo Mitsui (1.777 tỷ đồng), Standard Chartered Singapore (1.582 tỷ đồng), HSBC Việt Nam (1.109 tỷ đồng).
Thế Giới Di Động chỉ vay tại 3 ngân hàng trong nước, đều là 3 ngân hàng vốn Nhà nước, là Vietinbank (1.695 tỷ đồng), BIDV (844 tỷ đồng) và Vietcombank (838 tỷ đồng). Đối với khoản vay dài hạn, Thế Giới Di Động vay 2.768 tỷ đồng từ HSBC Singapore. Khoản vay này sẽ đáo hạn vào tháng 11/2022. Trong năm 2021, Thế Giới Di Động đã trả 674 tỷ đồng lãi vay.
Dư nợ trái phiếu tại ngày 31/12/2021 chỉ có hơn 1.131 tỷ đồng với trái chủ là các công ty bảo hiểm như AIA, Prudential, Manulife,…
Tại ngày cuối năm ngoái dư nợ của MWG với Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là 691 tỷ đồng, lớn hơn hẳn các nhà cung cấp khác và cao gấp hơn hai lần ngày đầu năm 2021. Công ty TNHH Apple Việt Nam đứng thứ 2 và cũng cao gấp hơn hai lần so với 12 tháng trước. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Toshiba, LG, Sony, Thế Giới Số, Daikin Air Conditioning và Panasonic.
Tổng Hợp