Cổ phiếu bất động sản tăng mạnh cũng giúp các doanh nghiệp trên sàn mở rộng quy mô vốn hóa. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô.
Trong báo cáo mới nhất, VCBS Research nhận định, mặt bằng giá bất động sản dự báo sẽ ghi nhận xu hướng tăng tích cực trong năm 2022 dựa trên loạt yếu tố. Thứ nhất là tình trạng thiếu cung kéo dài, đặc biệt tại các đô thị lớn. Thứ hai là mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản như một kênh đầu tư hấp dẫn. Thứ ba là xu hướng ưa thích bất động sản của người dân, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát.
Thứ tư là gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai. Thứ năm là mặt bằng giá nguyên vật liệu và khung giá đất cao phản ánh một phần đến giá bất động sản trong năm 2022.
VCBS duy trì triển vọng tích cực về nhu cầu nhà ở và thị trường bất động sản trong các năm tới. Theo đó, môi trường nhân khẩu học thuận lợi với quy mô dân số lớn – cơ cấu dân số trẻ và một bộ phận lớn dân cư đang đi vào độ tuổi lập gia đình. Tỉ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng qua các năm và quy mô tầng lớp trung lưu mở rộng cũng là 2 yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, khu vực vùng ven hay các đô thị vệ tinh xung quanh những trung tâm kinh tế mới cũng đang sở hữu triển vọng tăng trưởng lớn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn khả quan và việc nắn chỉnh dòng vốn thông qua các chính sách này sẽ tạo sự phân hóa, là cơ hội cho dòng tiền hướng tới các doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh và khả năng triển khai, kinh doanh tốt. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ vaccine gia tăng đang đẩy lùi rủi ro về dịch bệnh. Và lịch sử cho thấy sau khi mở cửa trở lại, thị trường bất động sản đều phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngành này cũng có những rủi ro nhất định trong đó có rủi ro chung là dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh bán hàng và bàn giao dự án của các doanh nghiệp. Rủi ro chủ yếu vẫn là các chính sách siết chặt tín dụng ngành bất động sản trong tương lai do lo ngại về khả năng vỡ nợ như sự kiện Evergrande (ví dụ Thông tư 16).
Ngoài những “ông lớn” như Vinhomes (VHM: 16,4 tỷ USD) hay Novaland (NVL: 7,4 tỷ USD) thì còn có những doanh nghiệp với các mã cổ phiếu BCM (3,4 tỷ USD); DIG (2,6 tỷ USD); PDR (2 tỷ USD); SSH (2 tỷ USD); KDH (1,6 tỷ USD); KBC (1,6 tỷ USD); NLG (1,1 tỷ USD); CEO, IDC, DXG (1 tỷ USD).
“Tân Hoàng Minh” và “A7” là hai từ khóa rất nổi tiếng với giới đầu tư quan tâm đến dòng cổ phiếu bất động trong suốt năm 2021 vừa qua và đầu năm 2022 này. Trước hết về “A7” – tên thật là Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh năm 1970 – là Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Licogi 14 (L14). Tuy nhiên, ông Tuấn lại được biết đến nhiều hơn với tư cách là một người hướng dẫn, chia sẻ kiến thức cung cấp các khóa học, khóa đào tạo về đầu tư.
Các video của ông Tuấn chia sẻ các nhận định về thị trường và cổ phiếu dưới tài khoản “Nhà Đầu Tư 1970 – A7 – Nguyễn Mạnh Tuấn” thường thu hút nhiều người theo dõi. Ông Tuấn và Công ty cổ phần đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI) được cho biết là đang nắm giữ một số cổ phiếu như L14, DIG, DRH, CEO. Một số cổ phiếu được nhóm này đánh giá cao còn có NHA, HDC, L18, KSB, FCN, VC7… Các mã này đều có đà tăng rất mạnh thời gian vừa qua. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư trên thị trường thừa nhận các khuyến nghị của A7 có ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của họ. Tuy nhiên, việc “hô hào” của A7 cũng tạo ra những tranh cãi.
Lấy ví dụ về CEO – một cổ phiếu trong danh mục đầu tư của A7 – đã tăng chóng mặt trong thời gian ngắn, song ông Tuấn vẫn cho rằng mức giá hiện tại của các mã này còn rất “rẻ” so với quỹ đất khổng lồ của doanh nghiệp và sẽ còn tăng lên nhiều lần trong tương lai, “bán ra sẽ rất ân hận” – theo ông Tuấn. Vậy nhưng, định giá CEO hiện nay lại khiến giới phân tích tỏ ra e ngại. Một báo cáo của Công ty chứng khoán SBS mới đây nhận xét, với mức thị giá vượt 90.000 đồng hồi nửa đầu tháng 1, CEO đã vượt rất xa định giá (vốn được đặt trên giả định khả quan). SBS cảnh báo “mức độ cực kỳ rủi ro” đối với cổ phiếu này khi thị giá đang bị ảnh hưởng quá mức bởi dòng tiền đầu cơ”.
SBS cho rằng, CEO kinh doanh bất động sản và có quỹ đất giá trị lên đến 962,1 ha chủ yếu tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc (304 ha), Quảng Ninh (383 ha), Hà Nội (44 ha). Trong dài hạn, CEO vẫn có tiềm năng tăng trưởng của mảng kinh doanh chuỗi bất động sản du lịch và resort hứa hẹn khi ngành du lịch – hàng không bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế vào năm 2022 tới đây. Tuy nhiên, SBS cho rằng, dù sở hữu nhiều quỹ đất song khả năng triển khai dự án của CEO vẫn còn hạn chế do thiếu quy mô vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ông lớn kinh doanh bất động sản Phú Quốc còn bị ghì chặt hoạt động bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua.
Các chỉ số về kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp đều không khả quan với doanh thu hợp nhất giảm một nửa còn 124 tỷ đồng, thua lỗ quý thứ 4 liên tiếp. Cổ phiếu công ty còn bị HNX đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận công ty mẹ âm. Mọi tranh cãi đối với một cổ phiếu tăng nóng sẽ không có nhiều ý nghĩa, chỉ có người trong cuộc mới rút ra được bài học thành công/thất bại của bản thân.
Cụ thể, CEO cùng loạt cổ phiếu bất động sản đã bị bán ra rất mạnh sau “cú địa chấn” Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Lúc này, nhiều mã bất động sản tăng nóng thời gian qua, từ “họ” FLC đến CEO, DIG, CII, QCG… đều “khóa sàn”, mất thanh khoản. Đây là điều mà những nhà đầu tư như chị Nguyễn Lan Hương không lường tới. Chuỗi giảm 6 phiên liên tục (chủ yếu là giảm sàn) từ ngày 12/1 đến 19/1 đã khiến thị giá CEO từ 91.600 đồng lao dốc xuống mức 57.000 đồng. Đáng chú ý là trong quá trình đi xuống của CEO khối lượng khớp lệnh vẫn rất “khủng”. Ở phiên tăng trần ngày 11/1, CEO được khớp 9,34 triệu cổ phiếu (tương ứng giá trị giao dịch 819 tỷ đồng); tiếp đó khi giảm sàn về 82.500 đồng, khối lượng “bắt dao rơi” lên đến 11,17 triệu cổ phiếu (giá trị giao dịch 947 tỷ đồng).
Rõ ràng, những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu này ở vùng giá dưới 10.000 đồng từ gần nửa năm trước thì bán CEO giá nào cũng lãi, kể cả về mức 51.900 đồng ở phiên 19/1 cũng lãi 6 lần (hoặc hơn thế). Nhưng bi kịch sẽ diễn ra với những nhà đầu tư mua cổ phiếu này tại vùng 90.000 đồng và sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Với chuỗi giảm mạnh như vừa qua, việc nhà đầu tư bị “cháy tài khoản” không phải hiếm. Bản thân chị Lan Hương không dùng margin nhưng thay vì lãi đậm thì đã “chạy thoát thân”, bán cắt lỗ ngay cổ phiếu khi vừa có thanh khoản, song lại bán đúng đáy khi cổ phiếu hồi phục ngay sau đó.
Sóng ngành mạnh mẽ, cổ phiếu bất động sản “thượng vàng hạ cám” đều bứt phá tăng tốc cực sốc. Nhiều cổ phiếu có đà tăng phi mã chỉ một thời gian ngắn như CEO, DIG, QCG, HQC, PTL, SCR, ITA – bất chấp bức tranh tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kém khả quan – khiến giới quan sát không khỏi giật mình, choáng váng, còn cổ đông thì “ăn bằng lần”, tăng lãi đầy ngoạn mục. Hiệu suất sinh lời của những cổ phiếu này khiến bất cứ ai đứng ngoài cũng đều thèm khát.
Tổng Hợp