Từng là kênh đầu tư “làm mưa, làm gió” trên thị trường BĐS, tuy nhiên từ cuối năm 2019 phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại theo quy luật chu kỳ. Liên tiếp sau đó, những cú giáng mạnh từ dịch Covid-19 khiến thị trường này gần như bất động một thời gian dài. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng có nhiều khởi sắc trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam nhận xét, đầu tiên, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế sẽ là một trong những động lực quan trọng để phát triển sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng nói chung. Mặc dù vậy, sẽ khó có gói hỗ trợ riêng trực tiếp cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những công trình đầu tư công như hạ tầng giao thông, xã hội, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất – kinh doanh cần thêm mặt bằng, người lao động hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ,… từ đó thúc đẩy sức mua – chuyên gia này phân tích.
Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn cần quan tâm hơn nữa đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Nhu cầu thực tế về phân khúc này rất cao và cũng sẽ là một trong các yếu tố cơ bản tác động cho thị trường bất động sản nói chung. Hiện nhiều người dân đang trông đợi vào gói hỗ trợ người mua nhà, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động…Dưới góc độ hành lang pháp lý, Luật Đất đai được dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi trong năm 20220. Cùng đó, các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác được ban hành cũng được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy tích cực cho thị trường bất động sản trong năm 2022 này.
Đáng chú ý, chủ trương của Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các gói giải ngân dự án hạ tầng giao thông cho mục đích phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19 được chú ý. Bởi trên thực tế, hạ tầng giao thông luôn là yếu tố trực tiếp tác động đến thị trường bất động sản. Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng thời gian tới, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, kinh tế phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hội, phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023.
Cùng đó, Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 cũng đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới.
Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận, kết thúc quý III/2021 thị trường BĐS du lịch – nghỉ dưỡng gần như tê liệt vì giãn cách xã hội, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, các dự án phát triển BĐS du lịch – nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan khi lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6 %.
Trong khi đó, báo cáo quý III/2021 của DKRA cho thấy: Nguồn cung biệt thự biển đã tăng 46%, riêng nhà phố, shophouse biển có sự sụt giảm nguồn cung khoảng 39% so với quý trước. Tuy nhiên, nguồn cung ghi nhận vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nguồn cầu lại tăng mạnh ở các dự án có quy mô lớn phân bổ ở các địa phương có tiềm năng và lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Điển hình như Khánh Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng,… đã vực dậy sau đại dịch, chính quyền các địa phương có nhiều chính sách linh hoạt để phục hồi thị trường bằng cách mở cửa đón khách du lịch, áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, hay giảm thuế, đưa chính sách mở thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư quay trở lại.
Không chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, BĐS nghỉ dưỡng năm 2022 được dự báo sẽ phụ thuộc vào những địa điểm mới, có tiềm năng về du lịch và BĐS, đặc biệt là những khu vực chưa được chú ý nhiều nhưng lại đang nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, chính sách đầu tư cũng như tổng quy hoạch của địa phương.
Tuy nhiên, ánh sáng đã dần xuất hiện khi dịch bệnh được kiểm soát, chiến dịch tiêm vắc xin phủ rộng cùng nhiều chính sách kích cầu phù hợp mang tới tín hiệu vui cho thị trường. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: BĐS nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thức tỉnh trong năm 2022. Lý do để vị chuyên gia này đưa ra nhận định trên là dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và du lịch đang là ngành được ưu tiện phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Cũng từ đây, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng cũng sẽ được tác động tương hỗ để phục hồi.
Theo Bộ Xây dựng, ảnh hưởng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cuối năm 2021 không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
Tổng Hợp