Bên cạnh tác động tiêu cực của cổ phiếu ngành bất động sản, QCG đang như “ngồi trên đống lửa” sau khi VKSND TP.HCM tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trong chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển.
Nếu Quốc Cường Gia Lai được kết luận là “có trách nhiệm”, câu chuyện của công ty này có thể sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế. Bên cạnh đó, thời điểm phải công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 đang đến rất gần. Và nhiều khả năng, cổ đông tiếp tục chứng kiến các chỉ tiêu lợi kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai đi lùi.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra trong ngày cuối cùng của năm 2021, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu năm 2021 giảm mạnh với doanh thu 1.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 46% và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, giảm 22% so với kết quả trong năm 2020. Kết thúc 9 tháng đầu năm, QCG đạt 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện hơn 77% và 53% chỉ tiêu. Như vậy, doanh thu giảm 794 tỷ đồng, tương đương 51%, lợi nhuận giảm 21 tỷ đồng, tương đương 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quốc Cường Gia Lai đã chia sẻ nhiều khó khăn. Theo đó, quy hoạch quản lý đô thị còn bất cập, phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống pháp lý bất động sản còn chưa đồng bộ về các Luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất công. Trong khi Ngân hàng Nhà nước ban hành về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, kiểm soát cho vay tiêu dùng bất động sản, kiểm soát room tín dụng… đã và sẽ tiếp tục làm cho việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn; ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ sở để dồn ép các doanh nghiệp bất động sản cả về điều kiện và lãi suất.
Cùng với phí nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất có xu hướng tăng, quỹ đất sạch ngày càng thu hẹp… khiến cho việc tiếp cận đất đai cho các dự án kinh doanh bất động sản ngày càng khó khăn.
VKSND TP.HCM vừa tiếp tục trả hồ sơ vụ sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công an TP.HCM để xác định chính xác thiệt hại vụ án, làm rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Tháng 10/2021, VKSND TP.HCM cũng từng trả hồ sơ, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm hai công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018.
Trước đó, ngày 20/8/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) cùng các đồng phạm về cùng tội “Vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Đóng cửa phiên 20/1/2022, thị giá cổ phiếu của QCG dừng ở mức 14.050 đồng/cổ phiếu, giảm 9.150 đồng/cổ phiếu, tương đương 39,4% so với phiên 11/1. Đà giảm này của QCG khiến vốn hoá thị trường Quốc Cường Gia Lai “bốc hơi” 2.517 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc cổ đông công ty mất 2.517 tỷ đồng chỉ sau 7 phiên.
Phiên 20/1 ghi nhận sự trỗi dậy của cổ phiếu bất động sản, rất nhiều mã đảo chiều tăng trần. QCG có nhiều thời điểm tưởng thoát hiểm khi lấy lại mức giá xanh. Thế nhưng, khi QCG đạt tới 15.800 đồng/cổ phiếu, áp lực bán ra vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy, kết phiên, QCG lại duy trì đà giảm sàn quen thuộc.
Tổng Hợp