Năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm mà chúng ta không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn, mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế – xã hội trong trung và dài hạn.
Có nhiều tiềm năng để Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Điển hình như việc làm tốt chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Một cơ hội nữa rất quan trọng chính là sự đồng thuận phối hợp hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều.
Hơn nữa, chính sách được ban hành cấp tốc. Chỉ có hai tháng rưỡi mà ra được chương trình tuyệt vời như thế, nên đã có niềm tin với doanh nghiệp và người dân. Kinh nghiệm quốc tế cho rằng rất đáng tham khảo cách làm của Việt Nam trong hai tháng vừa qua.
Về thách thức, ngoài những rủi ro nhiều chuyên gia đã nhắc đến, tôi cho rằng Chính phủ cũng phải để tâm tới hai vấn đề.
Thứ nhất, thiếu sự nhất quán giữa bộ này ngành kia, địa phương này địa phương kia. Địa phương thiếu nhất quán thì nền kinh tế khó phục hồi, Thủ tướng nhiều lần quán triệt rồi, chúng ta phải làm sao nhất quán hơn.
Thứ hai, ta đang phục hồi nhưng không đều và có sự phân tán rõ rệt. Chẳng hạn, có địa phương tốt như Hải Phòng, nhưng có địa phương thì rất khó khăn. Có ngành tốt, có ngành thì khó khăn như du lịch, vận tải. Sự phân hóa rất rõ. Đó là bài toán khó.
Kể từ tháng 9/2021 đến nay, dịch bệnh đã có xu hướng giảm ở châu Á và độ phủ vaccine tăng lên. Đồng thời, các hoạt động kinh tế trong khu vực đã được phục hồi. Điều may mắn là chuỗi cung ứng khu vực ít bị đứt gãy đã cho phép các nước châu Á tận dụng được cơ hội của sự phục hồi kinh tế toàn cầu, kiềm chế được sức ép lạm phát gián tiếp gây ra do thiếu nguồn cung vì sự đứt gãy của chuỗi cung ứng. Lạm phát khu vực dự báo khoảng 2,1% năm 2021 và 2,7% năm 2022.
Tương tự khu vực, tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam rất nhanh. Tính tới thời điểm hiện tại, độ phủ vaccine đối với người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi đã lên tới con số 100%, nhóm đứng đầu trên thế giới. Nhìn chung, kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vaccine vẫn là các yếu tố quyết định cho phục hồi kinh tế.
Động lực cho sự tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 gồm: sản xuất công nghiệp dần khôi phục; tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại; kinh tế số phát triển; chương trình phục hồi kinh tế sắp diễn ra.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm các rủi ro như: dịch Covid-19 diễn biến khác; lạm phát; nợ xấu tăng; thị trường lao động phục hồi chậm; môi trường kinh doanh chưa thực sự cải thiện; thị trường tài chính thế giới mất ổn định; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại…
Đứng trước yêu cầu đó, tiếp nối các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, các khu vực kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân, được triển khai trong các năm 2020 và 2021, Bộ Chính trị đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV mới đây đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu là phục hồi phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
Có thể nói, “tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương; quyết tâm chính trị đã cao”, điều cần thiết bây giờ chính là kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; để tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách.
Đối với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, hầu hết phải bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, một cái khó của họ là việc tiếp cận tín dụng, với gói lần này là sự hỗ trợ thực sự cần thiết. Kể cả doanh nghiệp lớn cũng mong muốn tiếp cận tín dụng, tôi mong chương trình này tạo cơ hội đó cho doanh nghiệp.
Đối với người nông dân, chúng ta hay có tầng lớp thương lái tới tận vùng để thu mua, đôi khi lực lượng này chi phối về giá cả. Do đó, người nông dân cần một thiết chế tài chính vi mô, khi họ cần nguồn vốn bức bách mà không cần tín chấp. Đây là điều rất cần quan tâm. Dù nhỏ nhưng họ cần được làm chủ về tài chính.
Hiện nay, Việt Nam rất cần có các cụm logistics và cần 2-3 năm để các đại bàng kết hợp với chim sẻ để xây dựng. Một khi các cụm logistics hình thành, doanh nghiệp nhỏ cũng hoàn toàn có khả năng để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới.
Cần lưu ý, xuất khẩu hiện nay gặp vấn đề do không có container và chi phí đường thủy cao. Tôi cho rằng cần tháo gỡ vấn đề này. Một nước xuất khẩu 48,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp nhưng lại chưa có đội tàu chuyên chở, chưa có nền công nghiệp tàu thủy, chưa có cảng đặc thù nên rất khó khăn.
Do đó, về lâu dài, không thể chấp nhận thực tế là một xe chở thanh long đi từ Bình Thuận lên Lạng Sơn để xuất khẩu. Kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh thì chi phí cũng rất lớn. Tôi kỳ vọng, với gói hỗ trợ lần này, các đại biểu Quốc hội góp thêm tiếng nói để cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân được thụ hưởng.
Tổng Hợp