Tại họp báo tổng kết hoạt động kết quả kinh doanh năm 2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Đinh Việt Tùng Phó Tổng giám đốc SCIC đã chia sẻ thông tin về hoạt động đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Hoạt động của Vietnam Airlines sẽ còn khó khăn Vietnam Airlines sẽ phải mất 10 năm để có thể bù lỗ luỹ kế.
Thực tế, chi phí máy bay với hãng hàng không là rất lớn, Vietnam Airlines đang đàm phán với 11 bên cho thuê và có kết quả tích cực. Động thái này có thể giúp hãng hàng không quốc gia giảm chi phí trực tiếp, giãn hoãn thanh toán. Bên cạnh việc đàm phán với bên cho thuê, hãng đang xây dựng phương án bán, tái cơ cấu tài sản và đẩy sớm chương trình hiện đại hoá đội tàu bay. Trong tháng 12, Vietnam Airlines đã đưa ra phương án bán tiếp 9 tàu bay A321 và 6 tàu ATR72. Trong giai đoạn từ 2022 đến cuối năm 2023, Vietnam Airlines sẽ xây dựng phương án bán 12 tàu bay A321 nữa.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines tiết lộ nếu tính năng lực sản xuất giờ bay mà có thể cung ứng ra thị trường, thì hiện tại Vietnam Airlines chỉ bay được khoảng bằng 25% so với giai đoạn trước COVID-19. Thị trường chưa phục hồi, chưa bay được, thì chưa có dòng tiền. Ưu tiên đầu tiên của Vietnam Airlines hiện nay là làm thế nào để có dòng tiền duy trì hoạt động. Thứ hai là xử lý âm vốn chủ sở hữu. Trong 2 năm qua, mỗi năm Vietnam Airlines lỗ khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ. Trong khi trước đó, năm lời nhất là được khoảng 3.000 tỷ. Nếu khủng hoảng kéo dài, Vietnam Airlines sẽ phải mất 10 năm để có thể bù lỗ luỹ kế.
“Hiện nay vấn đề của Vietnam Airlines là dòng tiền, chi phí cố định một tháng của Vietnam Airlines là 1.600 tỷ (không làm gì cũng mất từng đó tiền), một con số tác động rất lớn. Hiện Vietnam Airlines đang xây dựng đề án tái cấu trúc trong đó có phương án tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cho cổ đông bên ngoài. Vốn chủ sở hữu trước đây của Vietnam Airlines là 14.000 tỷ, tăng thêm 8.000 tỷ là 22.000 tỷ. Việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bị vướng vấn đề tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines vì hãng hàng không quốc gia phải do Nhà nước chi phối, do đó vẫn phải phụ thuộc vốn vay và vốn bên ngoài.
Chúng tôi kì vọng có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ với thời gian dài. Với Vietnam Airlines 5 năm tới tình hình kinh doanh được đánh giá chưa thể “về mặt đất” được. Vì bảo lãnh của Chính phủ bị tính vào trần nợ công, hiện nợ công của chúng ta về ngưỡng cho phép nên chúng tôi kỳ vọng việc phát hành trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ trong nước và quốc tế với kỳ hạn dài để Vietnam Airlines có thời gian phục hồi và trả nợ.
Việc tái cấu trúc đội bay, Vietnam Airlines đã đàm phát với các chủ cho thuê tàu bay huỷ hoãn giá trị gần 1 tỷ USD, giai đoạn từ nay đến 2025. Việc tái cấu trúc các khoản đầu tư, đang rà soát lại tại các công ty thành viên Vietnam Airlines, cơ cấu lại, thu hẹp đầu mối, cải thiện kết quả kinh doanh, bù đắp lỗ luỹ kế..bên cạnh các giải pháp về chính sách: giá trần, giá sàn, tăng giảm phí, cơ chế hoạt động trong ngành hàng không…” Theo ông Tùng, các giải pháp này dự kiến sẽ gỡ khó cho Vietnam Airlines thời gian tới.
Uớc tính, lỗ lũy kế hợp nhất và của Công ty mẹ Vietnam Airlines tại thời điểm cuối năm 2021 có thể lên tới 24.552 tỷ đồng và 21.403 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines bị giảm sút mạnh, dòng tiền thâm hụt nặng, nợ quá hạn tăng cao (dư nợ vay ngắn hạn và nợ phải trả quá hạn cuối năm 2021 dự kiến là 4.402 tỷ đồng và 12.091 tỷ đồng).
Báo cáo phân tích của VCSC dự báo Vietnam Airlines sẽ lỗ 707 tỷ đồng trong quý 4 và khoảng 12.500 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương 115% mức lỗ của năm 2020 nhưng thấp hơn 33% so với dự báo trước đó, nhờ những tiến bộ tích cực trong việc cắt giảm chi phí cho thuê và bán máy bay để tiết giảm chi phí. Trong năm 2022 và 2023, VCSC dự báo Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thua lỗ lần lượt là 7.500 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng do mảng vận tải quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn và hãng hàng không có tỷ lệ đòn bẩy hoạt động cao. Cổ đông của Vietnam Airlines cũng sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng cổ phiếu do hãng hàng không có kế hoạch tăng vốn bổ sung.
Việc Vietnam Airlines có thể sẽ tiếp tục lỗ trong các năm 2022 và 2023 sẽ khiến cổ phiếu không còn đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HOSE do lỗ trong 3 năm liên tiếp. Mặc dù Vietnam Airlines đã đề xuất Chính phủ đưa ra một ngoại lệ đối với hãng hàng không nhưng vẫn chưa có sự chấp thuận chính thức nào. Do đó, VCSC vẫn nhận thấy rủi ro HVN sẽ phải chuyển giao dịch sang sàn UPCom vào năm 2023.
Về triển vọng của Vietnam Airlines trong thời gian tới, các phân tích của VCSC cho rằng con đường phục hồi của hãng bay này dự kiến sẽ vẫn còn dài. Với đòn bẩy hoạt động cao và khả năng định giá thấp do nhu cầu từ khách du lịch ưa chuộng vé máy bay giá rẻ dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn nhu cầu di chuyển cho công việc trong giai đoạn phục hồi ban đầu. Dựa trên kịch bản đó, Vietnam Airlines sẽ chỉ phục hồi lợi nhuận ở mức thấp bắt đầu từ năm 2024.
Tổng Hợp