Cú “bùng hàng” lần này như một vết nhơ, các cơ quan chức năng cần phải lưu vết vào hồ sơ doanh nghiệp để soát xét, gạch tên nếu đăng ký tham gia đấu giá tài sản những lần sau. “Dẫu sao thì TP HCM cũng được lợi, thu trọn 588,5 tỉ đồng tiền đặt cọc đấu thầu, rồi tổ chức đấu giá lại, có sao đâu” nhiều người cười về cuộc đấu giá của Tân Hoàng Minh.
Một hệ lụy lớn, về lâu về dài nữa là giá đất bị kích hoạt, gây nguy cơ bong bóng bất động sản. Ở Sài Gòn – TP HCM trước nay, giá đất cao nhất luôn là trung tâm quận 1. Mức giá trúng thầu lô 3-12 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tính bình quân khoảng 2,45 tỉ đồng/m2, rất phi thực tế. Các nhà quản lý đất đai, các chuyên gia bất động sản cùng nhận định với mức giá này, nếu giao dịch thành, chắc chắn đẩy giá đất Thủ Thiêm và lân cận lên chót vót, tín dụng sẽ chảy vào bất động sản gây nợ xấu lớn. Và người có thu nhập thấp càng không thể mua được nhà, đi ngược lại với chủ trương, chính sách của TP HCM. Tất nhiên, lợi nhuận chảy cả vào túi của các nhà tài phiệt là “tổ lái” trong lĩnh vực này.
Những vấn đề trên được giải quyết thế nào? Chắc chắn là phải bằng pháp luật. Pháp luật dù chưa thể đi trước cuộc sống nhưng cũng không nên để đi sau cuộc sống quá xa. Những kẽ hở pháp lý đã được nhận diện, do vậy bên cạnh các biện pháp hành chính như siết tín dụng, nâng tiêu chuẩn các doanh nghiệp được tham gia đấu giá…, cần tiến hành song trùng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý. Khả thi nhất là sớm điều chỉnh tăng tỉ lệ tiền cọc/giá khởi điểm, chẳng hạn từ 20% lên 50%, sẽ khiến nhà đầu tư chùn tay nếu định sử dụng chiêu trò. Để ngăn đe hiệu quả hơn, như đại biểu Quốc hội – tiến sĩ luật học Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) đề nghị, cần bổ sung tội danh “Lũng đoạn thị trường bất động sản” vào Bộ Luật Hình sự.
Trước hết là nói về pháp luật và thái độ chấp pháp. Dù Luật Đấu thầu và Luật Đấu giá tài sản hiện hành cho phép đơn vị trúng thầu có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá nhưng việc hủy kèo sẽ dễ gây hiệu ứng dây chuyền đối với các trường hợp đấu giá khác, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bên tổ chức bán đấu giá, cụ thể ở đây là TP HCM. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đã từng có “dớp” bỏ cọc, nay vẫn được tham gia đấu giá, rồi lại “bùng hàng” thì có thể thấy thái độ coi thường pháp luật khá rõ.
Hẳn nhiều người còn nhớ năm 2015, Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM), mức giá cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm, nhưng sau khi kết quả đấu giá được UBND thành phố phê duyệt thì tập đoàn này có văn bản đề nghị hủy. Rồi sau đó, cũng chính Tân Hoàng Minh có văn bản xin mua khu đất 23 Lê Duẩn. Chuyện cũ vẫn còn sờ sờ ra đó, nay ngựa quen đường cũ, lại bày đặt viết tâm thư giải thích vòng vo… Lẽ thường, người ta bị ăn đòn thật đau thì mới biết sợ. Cú “bùng hàng” lần này như một vết nhơ, các cơ quan chức năng cần phải lưu vết vào hồ sơ doanh nghiệp để soát xét, gạch tên nếu đăng ký tham gia đấu giá tài sản những lần sau.
Ngày 11-1, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu với giá 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài. Theo Luật Đấu giá tài sản, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước gần 588,5 tỉ đồng.
Trước đó, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (NH) II (thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát NH – NH Nhà nước) đã gửi văn bản yêu cầu một số NH rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngày 12-1, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội khẳng định không cấp tín dụng cho các khách hàng để tham gia đấu giá, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết đến ngày 7-1, NH chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng nào đối với các doanh nghiệp (DN) và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.
Về thị trường BĐS, việc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm và chấp nhận mất cọc của Tân Hoàng Minh có thể để tạo ra một mặt bằng giá đất mới. Điều này không chỉ có lợi trực tiếp cho những tài sản của Tân Hoàng Minh mà còn tạo ra hệ lụy với một mức giá nhà đất nói chung bị đẩy lên cao và có thể là “bong bóng BĐS”.
Tác động của việc đẩy giá BĐS đã gây ra “cục máu đông” nợ xấu cho hệ thống tài chính. Không chỉ dừng lại ở tác động trên mà còn các khía cạnh khác của nền kinh tế như đóng băng thị trường BĐS, suy giảm tăng trưởng kinh tế, quyền mưu cầu nhà ở của người dân… Do vậy, việc Tân Hoàng Minh từ bỏ việc thực hiện kết quả đấu giá từ mức giá bất thường nên được xem xét dưới nhiều quy định của luật pháp khác chứ không nên dừng lại ở luật đấu giá.
Tổng Hợp