Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chính thức bỏ cọc khiến thị trường bất động sản (BĐS) “nổi sóng” và các chuyên gia cho rằng đã đến lúc điều chỉnh quy định về đấu giá.
Việc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt ( thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), đơn vị trúng thầu lô đất 3-12 (diện tích gần 10.060m2) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (tương đương 2,4 tỷ đồng/m2) vừa thông báo chấm dứt Hợp đồng đấu giá đúng sau 1 tháng diễn ra phiên đấu giá khiến cho dư luận bất ngờ.
Trước đó trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan việc đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng hiện nay hành lang pháp lý đối với đấu giá tài sản ở nước ta còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, ông Châu chỉ ra Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” (đặt cọc) với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (TSĐG)” nhưng lại không quy định NĐT phải nộp thêm “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung “tiền đặt trước”, hay có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp NĐT “trả giá” TSĐG cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm của TSĐG” để chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của NĐT.
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ lô 3 – 12 ở Thủ Thiêm có giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng, “tiền đặt trước” (20%) là 588,4 tỷ đồng, nhưng giá trúng đấu giá đã lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 41,6 lần số “tiền đặt trước”.
Bên cạnh đó ông Châu nêu quan điểm do Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của NĐT để tham gia đấu giá nên các đơn vị đấu giá hiện nay như “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp TP HCM phải tự ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu NĐT “phải thực hiện cam kết bằng văn bản”. Tuy nhiên Chủ tịch HoREA cho rằng việc này hiện nay chỉ có tính hình thức và lỏng lẻo.
Ngoài ra HoREA còn đề nghị xem xét sửa đổi về việc NĐT phải nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá theo hướng quy định NĐT chỉ được “trả giá” lô đất đấu giá “khi có đủ tiền trên tài khoản”, hoặc “khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá”, “khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”; hoặc đề nghị xem xét việc NĐT đã nộp “tiền đặt trước” chỉ được trả giá không vượt quá “ngưỡng giá” (quy định chỉ gấp rưỡi giá khởi điểm), nếu vượt quá “ngưỡng giá” thì NĐT chỉ được “trả giá” lô đất đấu giá “khi có đủ tiền trên tài khoản”, hoặc “khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá”, hoặc “khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”.
Bộ Xây dựng đang làm báo cáo phải làm rõ việc đấu giá đất dù nhà đầu tư trúng bỏ cọc. Nếu như việc đấu giá đất làm tăng giá thị trường bất động sản cũng phải xem xét lại. Theo vị này, thời gian qua giá đất tại Thủ Thiêm đã lập mặt bằng giá mới sau vụ đấu giá đất gây xôn xao của Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, với việc bỏ cọc, thời gian tới, giá đất tại đây sẽ hạ nhiệt.
Trước khi Tân Hoàng Minh thông báo hủy cọc, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã dự báo được kịch bản doanh nghiệp này sẽ chủ động hủy cọc. Trên thực tế, bức tranh tài chính của hệ sinh thái liên quan tới Tân Hoàng Minh trong mấy năm qua không hề sáng sủa. Với riêng Công ty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp đứng ra đấu giá lô đất tỷ đô tại Thủ Thiêm, trong giai đoạn 2016 – 2020, lợi nhuận chỉ toàn lỗ và lỗ.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư. Thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến nhiều với vai trò chủ đầu tư khu phức hợp hạng sang D’.Capitale với tổng diện tích 50.309m2 trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.. Trên website của Tập đoàn Tân Hoàng Minh giới thiệu, Ngôi Sao Việt được thành lập ngày 20/4/2016, có địa chỉ tại tầng 2, tòa nhà D’.Le Pont D’or, ngõ 30 phố Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của Ngôi Sao Việt ở mức 1.600 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Mạnh Dũng nắm giữ 95,62% vốn và ông Nguyễn Mạnh Hùng sở hữu 4,38% còn lại. Tuy nhiên, tại ngày 27/9/2021, cơ cấu cổ đông có phần thay đổi khi Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc sở hữu 19,271% vốn điều lệ; ông Lê Mạnh Dũng sở hữu 80,729% vốn còn lại. Về doanh thu, giai đoạn 2016 – 2017, Công ty không ghi nhận doanh thu. Năm 2018, doanh thu đạt 80,3 triệu đồng. Năm 2019, doanh thu đột khởi lên 10.036 tỷ đồng, trước khi giảm hơn 9.000 tỷ đồng, về ngưỡng 783,5 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng mức sụt giảm gần 13 lần so với cùng kỳ.
Về lợi nhuận, ngoại trừ năm 2019 ghi nhận mức lãi kỷ lục 271,5 tỷ đồng, thì các năm còn lại toàn lỗ. Cụ thể, năm 2016 lỗ 1,8 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 4,2 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 10 tỷ đồng và năm 2020 lỗ “khủng” lên tới 1.000 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn này, Ngôi Sao Việt lỗ 745 tỷ đồng.
Tổng Hợp