Cổ phiếu FLC lao dốc sau thông tin Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, đã “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định.
Trước khi bán “chui” cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC, giá trị gần 4.550 tỷ đồng (theo giá chốt phiên ngày 10/1) và 3.990 tỷ đồng (theo thị giá hiện tại). Như vậy, riêng khối tài sản này của Chủ tịch FLC đã “bốc hơi” 650 tỷ đồng. Cùng với việc sở hữu 215 triệu cổ phiếu FLC nắm giữ, ông Quyết đang sở hữu một loạt cổ phiếu khác như Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã GAB), Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã ROS), Công ty CP Chứng khoán BOS (mã ART)….
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, GAB giảm 0,26, sau khi giảm 0,15% trong phiên liền trước. Tương tự, ROS lau sàn với mức giảm 6,83% trong phiên này, trong phiên giao dịch ngày 11/1, cổ phiếu này cũng giảm 6,71%. ART giảm mạnh nhất với 9,87% (phiên 12/1) và 9,52% (chốt phiên giao dịch ngày 11/1). Hiện ART đang đứng ở mức 13.700 đồng/cp. Tổng giá trị tài sản chứng khoán ước tính của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ước khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, đứng thứ 32 trong bảng xếp hàng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong ngày 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1. Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày 11/1.
Cũng trong ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10/1. Nếu ước tính với giá giao dịch trong phiên 10/1, ông Quyết đã thu về gần 1.800 tỷ đồng khi thực hiện giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC kể trên.
Nếu tính theo giá sàn 19.700 đồng/cổ phiếu của ngày 11/1, ông Trịnh Văn Quyết chỉ thu về khoảng 1.470 tỷ đồng. Trong khi đó nếu để sang phiên 11/1 với giá sàn 19.700 đồng/cổ phiếu, vị Chủ tịch của FLC chỉ thu được hơn 1.473 tỷ đồng. Còn theo mức thị giá hiện tại trong phiên giao dịch ngày hôm nay, gần 75 triệu cổ phiếu này (nếu bán ra) chỉ mang về cho Chủ tịch FLC gần 1.390 tỷ đồng. Như vậy việc bán “chui” cổ phiếu này đã giúp ông Trịnh Văn Quyết nhanh tay bỏ túi mức chênh lệch hơn 322 tỷ đồng.
Nhìn nhận về diễn biến của cổ phiếu bất động sản, một chuyên gia chứng khoán độc lập đánh giá: Đây cũng là giai đoạn điều chỉnh của cổ phiếu bất động sản sau khi thị trường tăng cao do kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế được thông qua, dòng tiền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh vào bất động sản và kết quả đấu giá đất của Tân Hoàng Minh. Những thông tin này đã khiến cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh, nhiều con tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp 5 lần như cổ phiếu CEO. Tuy nhiên, trong gói tài chính, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế ngành bất động sản chưa được cho vào nhóm cổ phiếu được hưởng ưu đãi lãi suất 2%, cùng với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc cho thấy giá đất cao bất thường, không phản ánh đúng thị trường và thông tin về cổ phiếu của Chủ tịc FLC – đây là 3 thông tin khiến cho cổ phiếu bất động sản điều chỉnh sâu là khó tránh khỏi. Thị trường chung, cổ phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng không quá cao (trừ VHM) tuy nhiên thị trường đang chịu tác động về tâm lý, do đó cần một nhóm ngành dẫn dắt cho thị trường, khi đó tâm lý thị trường sẽ ổn định được. Riêng đối với cổ phiếu FLC, động thái liên quan đến Chủ tịch FLC là câu chuyện riêng của cổ phiếu này.
Tổng Hợp