Là một cuộc đấu giá… trót thắng. Thực tế trong bối cảnh các đại gia ngồi với nhau, ai cũng có chút bốc đồng dẫn đến quá đà”, Chủ tịch Tân Hoàng Minh từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2017 với Vietnamnet.
Tháng 6/2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng tham gia đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lần đấu giá đó, ông Đỗ Anh Dũng đã vượt mặt 12 đại gia bất động sản khác, gồm cả vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn và ông Nguyễn Bá Dương, và cuối cùng trúng với giá đấu cao nhất 1.430 tỷ đồng.
Tuy nhiên 5 tháng sau, Tập đoàn gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP Hồ Chí minh, với lý do “phương án đấu giá có sai phạm về bước giá”. Vụ việc dùng dằng một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Tuy nhiên, do quá thời gian quy định, nên ngoài số tiền trúng đấu giá tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỉ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.
“Đây là cuộc đấu giá thất bại vì giá thắng cuộc quá cao. Khu đất này khởi điểm 550 tỷ và giờ chúng tôi phải trả tới 1.430 tỷ đồng – gấp 2,6 lần để sở hữu nó. Là một cuộc đấu giá… trót thắng. Thực tế trong bối cảnh các đại gia ngồi với nhau, ai cũng có chút bốc đồng dẫn đến quá đà”, Chủ tịch Tân Hoàng Minh từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2017 với Vietnamnet
Sau khi đóng tiền và được giao đất, Tân Hoàng Minh cho rào chắn xung quanh, phá dỡ toà nhà cũ của Công ty xổ số kiến thiết. Theo kế hoạch ban đầu khu đất vàng này sẽ được xây dựng thành một khu phức hợp đẳng cấp, một công trình kiến trúc mang điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên sau đó khu đất nằm bất động suốt thời gian dài. Đến năm 2019, nhiều thông tin cho biết khu đất đã được sang tay chủ mới. Tân Hoàng Minh sau đó đã chuyển nhượng khu đất lại cho Techcombank để nhà băng này xây trụ sở tại TP.HCM.
Năm 2016, ông Đỗ Anh Dũng từng đấu giá thành công đôi choé Tứ Linh giá 6 tỷ đồng rồi bất ngờ từ chối mua. Trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần đấu giá qua lại giữa hai đại gia bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải, người thắng là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tuy nhiên chỉ 10 ngày sau, ngày 6/6, ông Vũ Mạnh Hùng – người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên. Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do “hưng phấn” nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao. Với quyết định hủy ngang này, Tân Hoàng Minh chấp nhận bỏ cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề.
Chiều 11/1/2022, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.
Thông tin này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Một tháng trước, Tập đoàn này cũng đã gây sốt dư luận khi lập kỷ lục đấu giá vô tiền khoáng hậu. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đấu giá thành công lô đất kí hiệu 3-12 rộng hơn 10.000m2 trong KĐT Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). Bình quân mỗi mét vuông đất thô đã có giá 2,4 tỷ đồng/m2, mức giá ngang ngửa giá đất ở các siêu đô thị trên thế giới như Hong Kong, New York.
Trước nhiều hoài nghi của dư luận thời điểm đó, cuối tháng 12. Chủ tịch Đỗ Anh Dũng thậm chí đã khẳng định “chắc như đinh đóng cột” trong cuộc phỏng vấn với báo Dân sinh: “Tân Hoàng Minh là một doanh nghiệp lớn, không bao giờ ‘mua danh ba vạn, bán danh ba đồng’ một cách thô thiển như vậy!”. Với việc đơn phương hủy hợp đồng này, Tân Hoàng Minh sẽ phải mất tiền cọc trị giá 20% giá khởi điểm, tương đương khoảng 600 tỷ đồng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hồi năm 2017, ông Dũng cũng từng nói về mức giá hợp lý trong đấu giá: “Là một nhà kinh doanh, tôi cho rằng giá bán cao hơn giá khởi điểm khoảng 10-20% là hợp lý. Bởi một dự án bất động sản, ngoài chi phí đất đai và xây dựng còn có chi phí tài chính như lãi vay trong suốt thời gian phát triển dự án. Và đây là khoản chi phí rất lớn nên chỉ cần vài chục phần trăm hàng tồn là mất lãi, thậm chí lỗ ngay”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Tân Hoàng Minh trong phút bốc đồng “trót thắng”, rồi sau đó phải chi núi tiền, gồm cả tiền cọc hoặc tiền trúng đấu giá quá cao.
Liên quan đến việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 của Tân Hoàng Minh, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn nói: “Việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu. Vì mức giá đó là bất hợp lý. Như tôi đã nói từ trước, doanh nghiệp sẽ hủy cọc nhưng có nhiều người tin rằng doanh nghiệp đã xác nhận ký hợp đồng mua bán. Nhưng theo quy định của luật pháp Việt Nam, thời gian cọc tới 90 ngày”.
Liên quan đến tác động của việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, ông Thịnh phân tích, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán/mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác.
Tổng Hợp