Năm 2021, thị trường tiền điện tử ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, nhiều nhà đầu tư cũng điêu đứng vì sa bẫy của những sàn tiền ảo. Việt Nam hiện nay chưa cấp phép cho các sàn đầu tư forex. Nhằm lách luật, nhiều công ty “núp bóng” sàn nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất siêu cao để lừa đảo.
PChome hoạt động từ tháng 12/2020 và là một ứng dụng tồn tại lâu nhất so với các app kiếm tiền online khác. Thời gian đầu, PChome chi trả tiền hoa hồng bình thường nhưng đến ngày 14/4, ứng dụng bắt đầu ngưng thanh khoản. Ba ngày sau, PChome đưa ra ưu đãi hấp dẫn là nhân đôi tiền nạp để khuyến khích các nhà đầu tư nạp thêm tiền.
Ngày 17/4, ứng dụng chính thức “sập” với lý do được giải thích là “người truy cập quá nhiều”. Người chơi lúc này còn được các admin đề nghị nạp tiếp 30% tổng giá trị số tiền đang có trong tài khoản để khôi phục ứng dụng. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, người chơi lập tức dừng giao dịch. Các admin dần biến mất sau đó.
Tháng 3/2020, Busstrade xuất hiện trên mạng với lời quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Anh. Sàn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào theo cách quy đổi 24.500 đồng được 1 USDT (gọi là USD điện tử). Tương tự Coolcat, Busstrade quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, cung cấp 4 gói đầu tư với cam kết lợi nhuận 30% một tháng. Người tham gia không phải làm gì và được hứa bảo hiểm 100% vốn.
Cách thức quy đổi là 10 USDT “ăn” 1 Btoken, phí đổi 10%. Ví dụ, người chơi có 1.000 USDT sẽ đổi được 90 Btoken (sau khi quy đổi và trừ phí). Số Btoken này có thể đem giao dịch trên sàn tiền số mang tên Coinsbit.io với giá 0,014 USD/1 Btoken. Tuy nhiên, từ ngày 7/5/2021, sàn này không thể truy cập khiến nhà đầu tư “không biết tiền của mình giờ ở đâu”.
Khác với Coolcat khi nhà đầu tư gần như không có thông tin về người đứng sau, ở bên Busstrade các nhà đầu tư đã tố cáo trong đơn đích danh người được cho là chuyên gia giao dịch và nhiều cộng sự đứng tên các tài khoản ngân hàng nhận tiền đầu tư. Có 4 người thuộc cấp cao nhất tại Busstrade. Trong đó, một người nhận là Trader, tự xưng là “thầy”, hằng ngày chỉ giao dịch để các tài khoản thành viên copy theo. Ba người còn lại phụ trách quảng bá, mở rộng mạng lưới và là đầu mối nhận nộp tiền. Dưới 4 người này có đội Elite Team, dao động 20-40 Big Leader (đại trưởng nhóm). Các Big Leader quản lý nhánh do mình gây dựng, hỗ trợ giao dịch nạp rút tiền, có kênh chat riêng. Có nhánh tới 1.000 thành viên.
Tháng 4/2021, Công an TP.HCM đã nhận hơn 700 đơn của hàng nghìn người từ nhiều tỉnh thành, trình báo bị app Coolcat lừa, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Từ đầu năm, Coolcat quảng cáo là công ty bảo hiểm giao dịch đầu tư, hoạt động đã hơn 5 năm, có tập đoàn mẹ ở Anh và được cấp phép bởi Uỷ ban chứng khoán Bahamas. Coolcat nhận là “công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam” nên an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ. Tại TP.HCM, trụ sở công ty nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
Coolcat giới thiệu 6 gói bảo hiểm để mọi người lựa chọn. Gói thấp nhất có giá 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân do Coolcat đưa ra.
Mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin… lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, họ nhận 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ “đánh hộ” ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước. Tuy nhiên, đến ngày 16/4, nhà đầu tư trên cả nước không thể truy cập app. Nhiều người tìm đến tòa nhà được cho là trụ sở của Coolcat ở quận Bình Thạnh mới biết là địa chỉ ảo. Trong dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, không có tên Công ty bảo hiểm Coolcat hay bất kỳ công ty nào có tên Coolcat.
Tháng 5/2021, Công an triệt phá bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, gồm: Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss. Theo đó, đường dây này xây dựng, quản trị bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và 15 website khác được sao chép giao diện tương tự giống các sàn forex (thị trường giao dịch tài chính lớn nhất trên thế giới).
Nhóm này thuê máy chủ ở nước ngoài, kêu gọi người chơi tham giao dịch tỷ giá, ngoại hối, tiền ảo trên các sàn forex với cam kết thắng được nhận tiền, thua không mất gì. “Mục đích thu hút nhiều người tham gia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tổ chức đánh bạc”, nhà chức trách cáo buộc. Với sàn Rforex.com, các nghi can sử dụng vỏ bọc pháp nhân Công ty Rforex Ltd tại Anh với tổng số tiền giao dịch hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, có người đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hai sàn tiền ảo hiện đã chặn kết nối, hai sàn còn lại vẫn truy cập bình thường song không thể thực hiện các giao dịch. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra các dấu hiệu vi phạm của các sàn này.
Tổng Hợp