Lãi suất huy động nhích lên thời gian qua cùng với áp lực lạm phát có thể tăng trong năm 2022 khiến các doanh nghiệp (DN) lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh đang từng bước hồi phục sau dịch.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần cuối của năm 2021, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 12-2021 đối với cả 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lên mức 4,76%/năm và 5,55%/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chủ yếu ở nhóm ngân hàng (NH) thương mại cổ phần, trong khi lãi suất đầu vào của nhóm NH quốc doanh vẫn giữ ổn định đến thời điểm này.
Tại phiên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu xung quanh dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất là vấn đề DN và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành NH cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.
Theo thống đốc, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các NH trung ương đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là một vấn đề thật sự khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1 điểm % lãi suất trong 2 năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính tới ngày 24-12-2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 12,97%, cao hơn nhiều so với mức 10,1% tính tới cuối tháng 11 và cao hơn mức tăng 12,13% của cả năm trước. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tín dụng đã ghi nhận mức tăng 2,87 điểm %, cao hơn mức tăng theo tháng của giai đoạn 2017-2019. Theo BVSC, những yếu tố này đã tạo áp lực tăng lên lãi suất liên NH.
Đà tăng của lãi suất huy động cùng với áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng và triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Diễn biến này thu hút sự quan tâm của các DN vì hoạt động sản xuất – kinh doanh chỉ mới bắt đầu hồi phục sau giai đoạn khó khăn kéo dài do dịch Covid-19, nếu tăng lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Trong báo cáo ngành NH năm 2022, các chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định áp lực tăng lãi suất trong năm nay là không lớn vì thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của NH Nhà nước, lượng tiền đồng được bổ sung vào hệ thống NH nửa cuối năm theo kênh này khoảng 200.000 – 300.000 tỉ đồng. Một số NH có thể sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước…
Theo phản ánh của một số DN, thời điểm cuối năm, nhiều NH đang cấp tập thu hồi nợ, trong đó có việc yêu cầu người vay bổ sung thêm tài sản thế chấp hoặc giảm hạn mức giải ngân. Đồng thời, không ít DN lo sẽ khó tiếp cận được tín dụng sau thời điểm Thông tư 14 của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ hết hiệu lực từ sau ngày 30-6-2022.
Trong tháng đầu năm mới 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng đi lên để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh, từ mức 7,5% vào năm 2020 còn khoảng 4% trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, chỉ dao động 3% – 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7% – 5%/năm đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2% – 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Do nhu cầu vốn cuối năm tăng nên khoảng 2 tuần trở lại đây, các ngân hàng đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng để thu hút tiền gửi trong dân, tăng thanh khoản cho vay. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải tính toán nhiều mặt do dư địa không còn nhiều.
Tổng Hợp