Nhà chung cư luôn là phân khúc chủ đạo của thị trường. Với dân số đông, trẻ, tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và tỷ lệ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, việc giá không ngừng tăng nhanh khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại với phân khúc này. Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu nhà chung cư ngày một bức thiết.
Trong vòng 2 năm tới, tình trạng lệch pha về cung cầu vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, chi phí đất, nhân công, giá vật liệu xây dựng vẫn tiếp đà tăng. Tất cả các yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá nhà ở trong năm 2022 và những năm tiếp đó.
Triển vọng khả quan sẽ đến với thị trường bất động sản nhà ở tại các tỉnh lân cận của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022; đón nhận những tín hiệu tích cực từ cả cung cầu và giá bán. Đặc biệt, thị trường nhà ở vùng ven tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, thành phố Thủ Đức sẽ thu hút vốn đầu tư nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng ở những khu vực này. Tuy nhiên, trước đà tăng của giá nhà ở như hiện này, giấc mơ an cư của nhiều người trẻ tại các thành phố lớn dự báo sẽ khó thực hiện, nhất là khi dự báo về mức giá nhà ở vẫn còn có thể “phi mã” nhanh trong năm 2022.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong các phân khúc bất động sản thì chung cư là thị trường bền vững nhất, kể cả với các nước phát triển, bởi khi đô thị hóa, người dân dồn về các đô thị là rất lớn. Điều này đã được chứng minh từ thực tế của các thành phố lớn trong khu vực và thế giới như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore hay các thành phố ở Mỹ.
“Đất đai có hạn nên giải pháp chung đáp ứng dân số tăng nhanh vẫn là chung cư cao tầng, nên phân khúc này có nhiều tiềm năng phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng thị trường bất động sản vẫn tiếp tục duy trì sự sôi động tại nhiều phân khúc. Đáng chú ý, giá nhà ở tăng mạnh khiến giấc mơ an cư của nhiều người trẻ tại các thành phố lớn khó thực hiện. Các chuyên gia nhận định, tình trạng mất cân bằng cung-cầu, giá bất động sản được dự báo sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2022. Giá nhà có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2022; trong đó có phân khúc chung cư. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cung mới ra thị trường chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tính đến cuối năm 2021, bất động sản tại nhiều khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc về cả lượt tìm kiếm, giá bán lẫn giao dịch.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), điều này cũng khiến các chủ đầu tư khó tạo lập được quỹ đất và ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở. Trên thị trường bất động sản, các loại hình, phân khúc đều có tính chất “bình thông nhau.” Khi loại hình hay phân khúc này bị ảnh hưởng thì các loại hình, phân khúc khác cũng chịu tác động tương tự. Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị đẩy giá sau cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua, ông Châu dẫn chứng. Ông Lê Hoàng Châu đánh giá trước cảnh báo về nguy cơ lạm phát, theo quy luật, bất động sản vẫn sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho một bộ phận người giàu trong xã hội. Tuy nhiên, khi giá bất động sản tăng sẽ làm giảm cơ hội mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và trung bình.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn.
Thống kê của Rever cho thấy, tại TP.HCM, có những căn hộ chung cư tăng giá đến vài chục phần trăm sau 1-2 năm bàn giao, thậm chí trên 100% nếu thời gian đủ lâu. Chẳng hạn, tại dự án Sunrise CityView (quận 7), mức giá tại thời điểm bàn giao năm 2018 là 29 triệu đồng/m2, đến năm 2021 đã tăng lên 46 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 58,6%.
Tương tự, dự án Sunwah Pearl (quận Bình Thạnh), giá bán ban đầu là 45 triệu đồng/m2 (bàn giao năm 2017), nay tăng lên 80 triệu đồng/m2, tương ứng mức tăng 77,7%. Cá biệt, một số dự án ghi nhận mức tăng hơn 100% sau 5-6 năm bàn giao như Sadora Sala (quận 2), Estella Heights (quận 2), Masteri Thảo Điền (quận 2)…
Tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, một số dự án bàn giao được 1-2 năm nay cũng tăng giá mạnh như Florence Mỹ Đình, Iris Garden (Nam Từ Liêm)… với mức tăng phổ biến từ 1-3 triệu đồng/m2. Thậm chí, có chung cư tái định cư ở phố Thành Thái (Cầu Giấy) tăng tới 5-6 giá trong năm vừa qua và hoàn toàn là các giao dịch thứ cấp do dự án đã được bàn giao từ 10 năm trước.
Báo cáo thị trường mới nhất của CBRE cho thấy, giá bán sơ cấp căn hộ trung cấp tăng 16% theo năm vì cả khan hiếm nguồn cung lẫn tỷ lệ áp đảo của căn hộ cao cấp.
Theo đại diện DKRA, mức giá BĐS nói chung không giảm như nhiều người lo ngại do tác động từ dịch bệnh mà vẫn duy trì ở mức cao, thậm chí tăng nhẹ vì nhiều lý do. Đáng chú ý, loại hình căn hộ siêu sang đã có những kỷ lục mức giá mới khi lên đến 400 – 500 triệu đồng/m2 (tương đương 20.000 – 22.500 USD). “Tỷ lệ phân hạng căn hộ vẫn bất ổn, thiếu vắng loại hình căn hộ vừa túi tiền, căn hộ hạng A và hạng sang vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Từ dịch bệnh Covid-19, có thể thấy cần phải tổ chức lại không gian đô thị và nhà ở cho người có thu nhập khiêm tốn (nhà ở vừa túi tiền)”, ông Hoàng nói.
Sự thiếu vắng và yếu kém của loại hình nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khiến thị trường BĐS mất cân bằng, ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ví dụ, gia tăng đầu cơ mua đi bán lại, mục tiêu phát triển đô thị và diện tích nhà ở bình quân đầu người bị ảnh hưởng.
Tổng Hợp