Suốt nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng tại TP.HCM không ngừng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo Thành phố từng ngày. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát và Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhiều dự án hạ tầng vẫn được thi công.
kể từ khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành lắp đặt dầm thép cuối cùng, các dự án căn hộ hạng sang trong khu vực Thủ Thiêm được rầm rộ rao bán, có thể kể đến đầu tiên là dự án The Metropole Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và SonKim Land là nhà phát triển, với mức đầu tư dự kiến gần 7.500 tỷ đồng, đang bàn giao giai đoạn I và II.
Cách đó khoảng 2 km là dự án căn hộ Empire City, nằm dọc trục đại lộ Mai Chí Thọ, kề bên hầm Thủ Thiêm và đường ven sông Sài Gòn quy mô 15 ha, với tổng kinh phí 1,2 tỷ USD, giai đoạn I gồm 2 cụm tháp với gần 1.000 căn hộ. Cùng “chạy đua” là dự án The River Thủ Thiêm của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô 3,5 ha, gồm 6 tòa nhà cao 12-24 tầng, dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1.140 căn hộ.
Hướng về phía quận 1, dự án Grand Marina Saigon tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đón “cú huých” của cầu Thủ Thiêm 2. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc TP.HCM đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp các dự án bất động sản xung quanh được hưởng lợi lớn, bởi trong câu chuyện hình thành giá trị cho dự án, không thể không nhắc đến yếu tố vị trí, tính kết nối, mà điều này phụ thuộc phần lớn vào các dự án hạ tầng giao thông kết nối.
Song, có một thực tế là bên cạnh những dự án đã và đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. Đơn cử, dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức) có mức đầu tư 325 tỷ đồng, mới thi công đạt khoảng 60% khối lượng do chậm trễ trong khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tương tự, dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 557 tỷ đồng, đang tắc do mặt bằng chưa bàn giao xong. Công trình này thực hiện xây lắp phần cầu đạt 53,1% kế hoạch, nhưng phải dừng thi công từ tháng 12/2019 do mặt bằng phần mố M1-trụ T1 và mố M2-trụ T8 chưa được bàn giao…
Tại tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) – chủ đầu tư dự án cho biết, để đồng thời bảo đảm an toàn thi công và phòng chống dịch bệnh, toàn bộ kỹ sư và công nhân đều tuân thủ nguyên tắc 5K, “3 tại chỗ”.
Hay tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn, nối liền TP. Thủ Đức và quận 1), sau nhiều lần “lỗi hẹn” thì nay đã được hợp long, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Để có được kết quả này, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và nhà thầu đã bố trí phương án “3 tại chỗ”, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân, vừa đảm bảo nguồn lực để thi công được liên tục, vừa đảm bảo bảo chống dịch hiệu quả.
Ngoài những dự án trên, trong năm 2021, TP.HCM còn đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông khác như mở rộng đường Bùi Đình Túy, hoàn thành sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), thông xe cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), thông xe một nhánh cầu Bưng mới (nối quận Bình Tân và Tân Phú)…
Trong năm 2022, sẽ có thêm nhiều dự án giao thông trọng điểm được dự kiến khởi công như xây dựng nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50 và đặc biệt là nhóm 5 dự án xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, dự án Xây dựng nút giao An Phú (TP. Thủ Ðức) đang được chủ đầu tư Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm thi tuyển kiến trúc công trình và lập đánh giá tác động môi trường. Kế đến là dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), vừa được TP.HCM bố trí nguồn vốn 120 tỷ đồng để triển khai trong năm 2022, khi hoàn thành vào năm 2024 sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, chia sẻ áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam Thành phố.
Tổng Hợp