Năm 2022, nhiều dự báo cho rằng GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5%, gần tương đương mức của năm 2019 trở về trước. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ có thể diễn biến theo hướng khả quan hơn. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng hơn so với năm 2021 và có thể tương đương như năm 2019 cho tất cả các phân khúc từ căn hộ đến nhà phố/biệt thự. Riêng đất nền có thể sẽ không tăng do các dự án phân lô đang ngày càng bị siết thủ tục.
Bất động sản hạng sang và siêu sang vẫn sẽ chiếm tỉ lệ lớn trong khi loại hình nhà ở vừa túi tiền đang ngày càng khan hiếm. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch.
Ngoài vấn đề về nguồn cung, sức cầu, giá cả, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu. Người mua chú trọng yêu cầu chất lượng sản phẩm, môi trường sống. Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển. Nở rộ hình thức đầu tư chia nhỏ sản phẩm và áp dụng công nghệ,… Cũng có góc nhìn lạc quan về thị trường BĐS trong năm tới, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, dù đang trong bối cảnh các dự án pháp lý và bất động sản Việt Nam gặp khó khăn nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn hiểu được vấn đề và họ rất kiên nhẫn trong việc tham gia thị trường vào giai đoạn này, và đây đặc biệt là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư của họ. Dù đang trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng trong nhiều khu vực, đặc biệt là các tỉnh thành phố lớn của Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng trong năm 2022 – 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 – 2023. Mặc dù vậy, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tôi nghĩ tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Đối với người dân, với khoảng tầm 1 – 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại Tp.HCM cũng là một câu chuyện lớn. Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân”, TS Khương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường bất động sản đặt trong bối cảnh mới, vận hội mới sẽ có nhiều triển vọng tích cực. Ở góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, các yếu tố kinh tế chuyển biến tốt như GDP dự kiến tăng trưởng từ 6-7%, gói kích thích kinh tế lên tới 445.760 tỷ đồng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và gia tăng sức cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công, tháo gỡ các vấn đề pháp lý. Nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản khá dồi dào, tính đến hết quý III/2021 đã tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Vốn tư nhân và vốn FDI cũng đạt khoảng 2 tỷ USD tính đến hết tháng 11/2021, đứng thứ 3 trong nhóm các lĩnh vực. Trong các phân khúc, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được đánh giá là đã chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao bất động sản du lịch Việt Nam với tỷ suất lợi nhuận lên tới 35%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường vẫn được cung cấp hơn 10.000 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với tỷ lệ hấp thụ 36%. Ông Đính cũng nhận định, đầu tư bất động sản du lịch là đầu tư cho tương lai. Vị chuyên gia này tư vấn, nếu mua để kinh doanh cho thuê, nhà đầu tư nên chọn các sản phẩm shophouse, nhà phố ở khu vực được đầu tư phát triển nhiều công trình có sức hút lớn để thu hút du khách.
Trong bối cảnh mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán bất động sản cùng tịnh tiến, giới chuyên gia đặt niềm tin vào một bức tranh thị trường tươi sáng khi sắp sửa bước sang năm 2022.
Tổng Hợp