Với kế hoạch được thông qua trong năm 2021, sẽ có khoảng 12 tỷ cố phiếu ngân hàng được phát hành để các nhà băng tăng vốn. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 7 tỷ cổ phiếu phát hành thành công.
Tăng vốn là từ khoá hot nhất tại ĐHĐCĐ thường niên các ngân hàng năm 2021, thậm chí sau đại hội, trước bối cảnh tăng trưởng của thị trường chứng khoán thuận lợi, nhiều ngân hàng đã bổ sung kế hoạch tăng vốn với tỷ lệ tăng vốn cao từ 30-80%. Với kế hoạch được thông qua trong năm 2021, sẽ có khoảng 12 tỷ cố phiếu ngân hàng được phát hành để các nhà băng tăng vốn. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 7 tỷ cổ phiếu phát hành thành công.
Mới đây, cuối tháng 12/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho BIDV và Vietcombank tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận năm 2019 và 2020. Theo đó, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Vietcombank cũng vừa phát đi thông báo chốt ngày chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, ngân hàng sẽ trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 12%, đồng thời, sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 37.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ. Sau khi trả cổ tức thành công, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là Vietinbank, Vietcombank và VPBank.
Theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn đến cuối năm 2021 (bao gồm các khoản nợ đã được tái cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 – NHNN) dự kiến ở mức từ 7,1% – 7,7%. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số thống kê được về nợ xấu nội bảng ngành ngân hàng hiện nay chỉ trên 2%. Điều này cho thấy, số nợ xấu đang được “che” dưới hình ảnh lợi nhuận là không hề nhỏ.
Để giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng, nền kinh tế, tại Thông tư 03 NHNN cho phép các ngân hàng giãn trích lập dự phòng các khoản nợ xấu trong vòng 3 năm (2021, 2022, 2023). Tuy nhiên, về cơ bản, đa số các ngân hàng thương mại lớn đều ý thức được rằng, cuối cùng nợ xấu vẫn phải do chính ngân hàng tự xử lý, nên nhiều nhà băng sớm đã có phòng vệ bằng việc tăng mạnh trích lập dự phòng hoặc thống kê đầy đủ nợ xấu thay vì che dấu nó.
Một điểm điều đáng chú ý trong báo cáo 9 tháng là chất lượng tài sản của các ngân hàng trong quý III đều xấu đi rất nhanh. Nợ nhóm 4, 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh, như Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 1,1%. Trong đó, nợ xấu nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu; hay Vietinbank tỷ lệ nợ xấu cũng tăng gần đôi so với đầu năm lên mức 1,66%. Nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu. Trong nhóm 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, chỉ có BIDV là tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, hiện ở mức 1,61% nhưng nợ xấu nhóm 5 cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là hầu hết các ngân hàng đều gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với mức tăng trích từ 50, 70% đến vài lần như: NCB (tăng 66 lần), TPBank (tăng gấp 3,2 lần), ACB (tăng 4 lần), LienVietPostBank (tăng 2,5 lần), SeABank (tăng 2,1 lần), MBBank (tăng 2,1 lần). Điều này cho thấy các ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho sự bùng nổ của nợ xấu trong thời gian tới.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, đã có một khoảng thời gian đầu dịch hầu hết các ngân hàng trong trạng thái “ngủ đông” không dám cho vay mới, chủ yếu cơ cấu, đánh giá lại các khoản nợ. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư cho phép ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ do tác động bởi dịch bệnh COVID-19; cùng với đó là yêu cầu các NHTM phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nhờ vậy, lãi suất ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng khoảng 15 năm trở lại đây.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trên toàn thị trường đã giảm 1,6% trong năm 2021, tính cả năm 2020 thì khoảng 2%. Lãi suất thấp dẫn tới nhiều lo ngại trên thị trường về việc lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do hệ số NIM giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, lo ngại này đã không hoàn toàn xảy ra. Tính đến hết quý 3, hầu hết các ngân hàng đều công bố lợi nhuận tăng, trung bình lợi nhuận toàn ngành vẫn đạt trên 15% so với cùng kỳ và vượt 75% kế hoạch năm – khả quan hơn đại đa số các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Để cân đối lợi nhuận và có nguồn dự phòng rủi ro, hầu hết các ngân hàng vừa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế nhưng cũng duy trì lãi suất huy động ở mức thấp do tình trạng thanh khoản dồi dào, ngân hàng dôi dư nhiều vốn để cho vay. Lãi suất huy động ở hầu hết các ngân hàng giảm về mức thấp nhất nhiều năm, với kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 4% – cao hơn lạm phát khoảng 1,5%, lãi suất trung, dài hạn khoảng 5-7%.
Tổng Hợp