Từ năm 2013 tới nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Nhưng hiện nay ngập tràn hình ảnh quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ…
Liên quan đến công tác tiền mặt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 8751/NHNN-TT đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022.
Cụ thể, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn và liên tục.
Thực tế, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán, song trên mạng điện tử, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới của các cá nhân luôn náo nhiệt. Bên cạnh các website là hàng loạt trang facebook cá nhân nhận đổi tiền mới, tiền lẻ với cam kết phí rẻ, tiền mới 100%, nguyên seri, nguyên đai, nguyên cọc, đầy đủ các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000, 100.000… và nhận đổi tại nhiều khu vực như Hà Nội, TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương.
Người muốn đổi tiền chỉ cần tra cứu trên mạng cụm từ “đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì” là biết được địa chỉ đáp ứng nhu cầu. Những năm trước, mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới được các trang facebook công khai, nhưng vài năm gần đây, khách hàng có nhu cầu phải “inbox” (trao đổi riêng) mới biết. Tiền có mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng có phí từ 12 – 15%, loại 2.000 đồng và 5.000 đồng có phí 4%…
Nhìn chung, dịch vụ đổi tiền vẫn được quảng cáo rầm rộ trên mạng, bất chấp quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 20 – 40 triệu đồng đối với cá nhân và mức phạt sẽ tăng gấp đôi với tổ chức vi phạm.
Ngoài ra, chủ động cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp. Tại hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, thời gian qua, ngành ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, cơ cấu mệnh giá đồng tiền tương đối đáp ứng được nhu cầu thanh toán thực tế.
Liên lạc với nhân viên một số ngân hàng thương mại thì được biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cung cấp đủ số lượng, cơ cấu tiền các mệnh giá hợp lý và cần thiết cho các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo lưu thông, nhưng chưa có thông tin về việc đổi tiền lẻ, tiền mới cho dịp Tết.
Tổng Hợp