Khoảng gần ba tháng trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) giao dịch sôi động trở lại và nóng dần vào cuối năm, nhất là những điểm nóng như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Thậm chí, phòng công chứng ở một số địa phương quá tải các hồ sơ đất đai.
Cuối năm là thời điểm các chủ đầu tư bung hàng, là cuộc chạy nước rút của cả doanh nghiệp, đơn vị phân phối và môi giới, nhiều người cũng chọn mua nhà thời điểm này. Theo quan sát thực tế của chuyên gia DKRA trong hai tháng qua, thị trường vẫn có những người mua nhà để ở với mong muốn có điều kiện sống tốt hơn. Thay vì trước đây, họ mua nhà chỉ đơn giản là để ở, nay còn thêm các tiêu chí liên quan môi trường sống, tiêu chuẩn sống, nhất là đòi hỏi về thiết kế thông thoáng, cảnh quan, tiện ích,… của dự án.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc mua bất động sản cận tết gần như mang tính mùa vụ. Vào cuối năm, nhà đầu tư có tâm lý muốn mua một cái gì đó được xem là thành quả của cả một năm. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư sau một năm kiếm tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền kỹ thuật số,… muốn chốt lời vào kênh bất động sản và coi đó như một kênh gửi gắm an toàn và lâu dài. Mặc dù thị trường BĐS có dấu hiệu tăng trưởng, nhà đầu tư cần cân nhắc yếu tố bền vững, cần có kế hoạch tài chính trung và dài hạn mới tính đến việc đầu tư giai đoạn này; đồng thời, cần lựa chọn dự án của chủ đầu tư có uy tín, có pháp lý rõ ràng và phát triển dự án theo quy hoạch vùng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật – xã hội.
Một yếu tố khác là lãi suất hiện nay về cơ bản tương đối thấp. Lãi suất cho vay mua nhà khoảng 9-10% mỗi năm và có thể vay 13-15 năm, thậm chí lâu hơn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn kích cầu ở thời điểm hiện nay nên tung ra những gói cho vay và chính sách khuyến mại hấp dẫn. Do vậy, TS. Cấn Văn Lực đánh giá nhiều thông tin tích cực như trên sẽ thúc đẩy việc mua bán bất động sản nói chung và đất nền nói riêng trong ba tháng tới.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng, trước năm 2018 thường có những cơn sốt đất diễn ra trước và sau Tết bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, hai năm nay, những cơn sốt đất trên diện rộng hoặc sốt đất thật sự rất ít. Đến năm nay, dịch COVID-19 gây ra những biến động về kinh tế, thu nhập,… khiến thị trường thứ cấp không sôi động nên chưa có tình trạng mọi người đổ xô đi mua đất nền như những giai đoạn trước. Có chăng tình hình giao dịch ở một số khu vực, một số địa phương sôi động và được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là những nơi gần các dự án hạ tầng giao thông hoặc sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị.
Dữ liệu từ DKRA Vietnam cho thấy, trong tháng 11, các địa phương gồm TP HCM và 5 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) hay xa hơn là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận có khoảng 700 nền đất được đưa ra thị trường, với tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 55%.
Trong khi trước đó ở tháng 10 chỉ có khoảng 650 nền và tiêu thụ được hơn 1/3. Còn tháng 9 vẫn trong thời gian giãn cách xã hội nên gần như không có dự án đất nền nào được bán ra. Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, điều này cho thấy bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền luôn luôn có phản ứng nhanh nhất với thị trường khi sức mua đang rất tích cực trong thời điểm này. Những ngày đầu tháng 12, xu hướng này vẫn tiếp tục tích cực. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, cho biết thường thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản rất sôi động. Lượng giao dịch được thống kê qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác. Tuy nhiên năm nay, nguồn cung và sức mua có sự suy giảm, mặc dù đã có những diễn biến tích cực.
Từ tháng 10 tới nay khi các thông tin lạm phát bắt đầu xuất hiện, lượng giao dịch BĐS tại thị trường thứ cấp tăng mạnh, minh chứng là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 tăng gấp đôi tháng 9. Song song đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Các buổi công bố sản phẩm hay giới thiệu dự án từ đầu tháng 11 đến nay đều chứng kiến lượng người quan tâm và tham dự đông kỷ lục.
Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư hiện đang có tâm lý chờ đợi giá BĐS sẽ tốt hơn vào dịp cuối năm 2021 nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư lại lo ngại giá BĐS sẽ tăng sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Thời gian qua, tuy số lượng người đã đổ đi xem BĐS tăng cao nhưng giao dịch chưa đột biến. Thực tế cho thấy, sự khan hiếm của nguồn cung dự án BĐS mới đã khiến giá BĐS được đẩy lên, trong khi nhu cầu nhà ở thực của người dân vẫn cao, các dự án thứ cấp sắp bàn giao sẽ hút khách.
Các chuyên gia dự báo, thị trường BĐS vẫn sẽ là “vùng trũng” hút dòng tiền trong năm 2022. Cụ thể, một số dòng vốn lớn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường BĐS gồm: vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công cũng được cho là sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường BĐS.
Tổng Hợp