Nhiều khả năng một số nhà băng được cấp room tín dụng dài hạn trong năm 2022. Nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 13% cho cả năm 2021.
Một những yếu tố chính giúp nhóm ngân hàng đồng loạt tăng giá trong những phiên giao dịch vừa qua là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt. Trước đó, vào quý 3, một loạt ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cho đến nay, NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng 2 lần vào quí 3 và quí 4/2021. Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được NHNN nới room 2 lần trong năm 2021. Tại đợt nới room gần đây nhất, TPB và TCB là 2 ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lần lượt 23,4% và 22,1%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng được nới mạnh room, trong đó MSB được giao hạn mức 22%, MBB 21%, LPB 18,1%, VPB 17,1%, OCB 15%, VCB 15%,…
Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, việc nới room tín dụng sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng. Bởi lãi suất phụ thuộc nhiều vào cung- cầu tín dụng. Khi được nới room tín dụng, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn, khiến mặt bằng lãi suất huy động chịu sức ép tăng. Trong khi nhu cầu vốn tăng càng khiến lãi vay khó giảm. Tuy nhiên, hiện cầu vốn vẫn còn yếu khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi chủ trương của Chính phủ là yêu cầu các TCTD tiết giảm tối đa chi phí để giảm thêm lãi vay. Vì thế, các ngân hàng sẽ cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất. Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao vì dịch bệnh, các ngân hàng có xu hướng siết chặt điều kiện tín dụng để phòng ngừa rủi ro. Theo đó, họ có thể duy trì lãi vay ở mức thấp, song muốn vay vốn thì doanh nghiệp cần có tài sản đảm bảo, phải chứng minh được thu thập trả nợ…
Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới quý 4/2021 do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét. Nhiều khả năng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021. Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (thể hiện qua hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí). VCBS cho rằng các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như TCB, TPB, VPB, MBB, ACB, HDB, VIB, MSB,… sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Cùng với TPB và TCB, MSB là ngân hàng được NHNN nới room tín dụng cao nhất 22% trong năm 2021. Tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% tính tới thời điểm cuối tháng 10/2021, cao hơn so với mức tăng trưởng 7,6% cùng kỳ 2020. Nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 13% cho cả năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo duy trì ở mức cao trong dài hạn. Có thể nói, tăng trưởng nền kinh tế nói chung và xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong dài hạn.
Đánh giá về việc các nhà băng sẽ được cấp room trong dài hạn, ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng ngoài việc đáp ứng các tiêu chí của NHNN, tín dụng bán lẻ đang là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quí 3/2021. Với đặc điểm nền kinh tế khối doanh nghiệp FDI đóng góp một phần lớn trong GDP cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm thu nhập cao tăng lên giúp tài sản gia tăng và thúc đẩy nhu cầu vay nợ tiêu dùng. Đây cũng là một tiêu chí để NHNN nới room tín dụng cho các nhà băng…