Bộ Giao thông vận tải vừa công bố 8 dự án giao thông trọng điểm dự kiến triển khai thi công trong thời gian cuối tháng 12/2021, đầu tháng 1/2022 với tổng mức đầu tư 25.113 tỷ đồng.
Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài 14,3km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h. Việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A đoạn đi qua trung tâm thành phố, giảm thiểu ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Kết nối với đường Vành đai 3 thành phố Cà Mau, đường hành lang ven biển phía Nam nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của địa phương. Dự án được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư 1.725 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 là chủ đầu tư.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 18,6km. Mục tiêu từng bước hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cà Mau theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện khả năng khai thác trong điều kiện biến đổi khí hậu, giảm tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, tổng mức đầu tư 1.681 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.
Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, quy mô cấp III Đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án đi qua địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang, chiều dài 15,3km. Tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Việc đầu tư dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên khi hoàn thiện nhằm giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, từng bước hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục triển khai dự án cầu dân sinh và cải tạo đường địa phương (LRAMP) bao gồm nhiều công trình nhỏ rải rác trên 50 tỉnh. Góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, tăng cường kết nối cho các thôn, bản khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh thực hiện dự án. Dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ từ WB và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư 9.203 tỷ đồng, do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư hợp phần cầu, UBND các tỉnh là chủ đầu tư phần đường.
Tổng Hợp