Nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có. Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng.
Mặc dù đất nền có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhưng ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng cho rằng lại khó xảy ra. “Nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có. Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì những nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông”.
Theo ông Hoàng nhận định: “Gọi là cơn sốt đất thì cũng không đúng, mà tôi nghĩ rằng ở một số khu vực, hoặc một số địa phương sẽ có sự sôi động và được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở những nơi gần các dự án hạ tầng giao thông hoặc những nơi mà sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị. Chính vì thế, những năm vừa qua, đất đai tại các khu vực gần sân bay Long Thành hoặc gần các tuyến đường cao tốc mà nhà nước đang chuẩn bị đầu tư được hưởng lợi và có những tiềm năng phát triển trong tương lai. Những khu vực này cũng sẽ sôi động hơn”.
Theo vị chuyên gia, sẽ khó sốt đất, bởi vì có những nhà đầu tư hiện nay đang thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp – tức thị trường mua đi bán lại, cũng kém sôi động hơn trong năm 2021. Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu.
Cộng thêm chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn cho vay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này. Khi tác động đến sức mua sẽ giảm khả năng xảy ra sốt đất. “Tôi cũng đánh giá cao phản ứng kịp thời của địa phương, khi xuất hiện những thông tin bơm thổi trên thị trường. Điều đó giúp cho những rủi ro xảy ra sốt ảo bất động sản bớt đi”, vị chuyên gia nói. Bên cạnh đó, những dự án có lợi thế về mặt vị trí, pháp lý luôn có sự quan tâm của người mua, chứ không phải sốt đất như 2018 trở về trước.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho biết thời gian gần đây, dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. Sau khi Chính phủ cho phép thực hiện Nghị quyết 128 từ ngày 1/10, các chỉ số kinh tế – xã hội cho thấy thị trường đã phục hồi được khoảng 80-85% ở các loại hoạt động khác nhau. Một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã phục hồi đến 90-95%.
Bên cạnh đó, nguồn cung mới không nhiều nên giao dịch cũng sôi động hơn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, trong và sau giãn cách xã hội, người dân thấy cần có một chỗ hơi xa một chút nhưng riêng tư và đảm bảo môi trường, hệ sinh thái. “Hiện nay, chúng ta thấy một số người từ TP.HCM chạy lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) khá nhiều. Tôi nghĩ đó cũng là một xu hướng đã và đang xuất hiện sau dịch bệnh”, ông Lực chia sẻ. Tuy nhiên, ông Lực không đồng tình với cách gọi “tiêu dùng trả thù” mà nhiều người sử dụng gần đây. Bởi theo ông, đầu tư, đặc biệt là đầu tư bất động sản không giống với việc mua bó rau, cân gạo; không thể có xu hướng đầu tư giống như tiêu dùng mà phải tính toán rất thận trọng và kỹ càng.
“Tôi nghĩ rằng nếu nhà đầu tư mua bất động sản để ở/sinh sống thì cũng cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa”,Ts. Sử Ngọc Khương nói. Theo vị này cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của chúng ta sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó. Đây là câu chuyện mà các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn cũng cần cân nhắc.
Trước đó khi thảo luận về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022. Ghi nhận cho thấy ở nhiều nơi, sốt đất trở lại với hình ảnh tấp nập, chen chúc nhau ở các khu đất đấu giá, những nơi xuất hiện quy hoạch dự án, giá cao lên từng ngày… Và một số nơi đất bị “đẩy giá” dù chưa có yếu tố liên quan đến phát triển hạ tầng, quy hoạch.
Tổng Hợp