Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, thị trường bất động sản đang được hỗ trợ bởi các yếu tố mang tính động lực như kiểm soát dịch, đầu tư công, nhưng cũng khó có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành bật tăng doanh thu.
Một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội chủ yếu đến từ việc chuyển tiếp lợi nhuận từ năm ngoái sang. Hiện tại, các doanh nghiệp kỳ vọng vào kết quả năm sau, khi các gói kích thích kinh tế được triển khai. Khi đó, bất động sản, xây dựng sẽ nằm trong nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất. Trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp bất động sản tranh thủ cơ hội mở rộng quỹ đất tiềm năng để đón đầu xu hướng phát triển của thị trường. Việc sở hữu quỹ đất lớn là điều kiện cần để triển khai dự án bài bản, đồng nhất với hạ tầng đô thị cũng như phát triển bền vững.
Trước tình hình khó khăn chồng chất như hiện nay, các đại biểu đã cùng nêu đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp bất động sản phục hồi và phát triển. Trong đó, các chuyên gia đã cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ những chồng chéo trong thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… Nhiều ý kiến cho rằng nên có sự sàng lọc các dự án bất động sản để những doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển dự án tốt nhận được sự ưu đãi phát triển dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho bất động sản hợp lý hơn. Đồng thời, cũng cần khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản phục hồi sau dịch bệnh. Theo đó, quan trọng nhất là củng cố và nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản thông qua phục hồi quy mô doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng quy mô vốn chủ sở hữu và vốn tự có của doanh nghiệp.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi năm 2020 tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,42% GDP và xây dựng chiếm 6,19% GDP. Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản phát triển cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các phân khúc đồng thời tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới sự phát triển của thị trường bất động sản trên cả khía cạnh cung lẫn cầu bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nhất là quý III/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện lực cầu F0. Trạng thái của thị trường thay đổi nhiều và mạnh, có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng. Tình trạng mất cân đối cung – cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Điều này khiến giá bất động sản đã leo thang ở mức cao.
Theo ông Đính, trong bối cảnh thị trường bị tác động mạnh bởi dịch bệnh và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn khi phải vượt qua nhiều thách thức cả khách quan lẫn chủ quan từ thị trường.
Trong suốt những tháng nửa cuối năm 2021, tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Covid-19. Các nước được xem như “đầu tàu” trên thế giới gồm Mỹ, các nước châu Âu và các nước ở châu Á Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng chịu tác động nặng nề bởi Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh Covid luôn là câu hỏi được đặt ra và ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển GDP của thế giới cũng như các cường quốc. Với bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới bị tác động, Việt Nam cũng không ngoại lệ và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc đầu tư của thị trường.
Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Hiện tại, dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy, dòng tiền sẽ “chảy” vào khu vực chứng khoán. Mà chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Bất động sản là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Đón sóng không dễ, và không phải ai đầu tư cũng thành công. Trong năm 2022 – 2023, việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, nhưng nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của “sóng” đi lên trong 2022 – 2023.
Tổng Hợp