Nếu trước đây sốt đất chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một số khu vực thì thời gian gần đây tình trạng này diễn ra đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành. Những đợt sốt đất này chỉ diễn ra thời gian ngắn 1-2 tuần rồi nhanh chóng hạ nhiệt.
Cơn sốt đất chỉ hạ nhiệt về thanh khoản, giao dịch giảm chứ giá đất vẫn neo ở mức cao đã tăng. Lý do là hiện nay nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, nếu giá bán cao ảo thì không dễ gì thuyết phục họ mua vào. Khi nhà đầu tư không giao dịch thì thị trường ở đó tự hạ nhiệt, đó là lý do sốt đất nhanh đến, nhanh đi. Mới đây, UBND TX. Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12/2021.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai trước hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc do không chuyển nhượng lại được đất sau đó. Theo ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, dù hiện nay giá đất tại Quảng Trị vẫn thấp hơn các tỉnh gần kề nhưng cơn sốt đất vừa qua là không phù hợp với thị trường, giá đất tăng không bền vững. Địa phương đã rà soát và có những khuyến cáo cho người dân cẩn trọng, tránh chạy theo cơn sốt đất rồi gây thiệt hại về tài chính.
Tại cuộc đấu giá đất của các địa phương Quảng Trị, Quảng Bình cũng cho kết quả trúng đấu giá đất vượt sàn rất cao. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà, có phiên đấu giá 58 lô đất tỷ lệ vượt giá sàn đến 80%. Đây là mức vượt giá sàn cao nhất từ trước tới nay.
Hay mới đây, phiên đấu giá đất tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới cũng ghi nhận giá vượt sàn. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, cho biết giá đất tại địa phương sốt từ đầu năm đến khoảng tháng 8 thì tạm lắng. Khoảng hai năm trước, giá những lô đất này chỉ khoảng 2/3 giá hiện tại.
6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản chứng kiến những cơn “nhảy múa” của giá đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Giá đất nhiều nơi tăng mạnh, thậm chí từ vài trăm nghìn đồng/m2 tăng lên gấp 10 – 20 lần so với giá khởi điểm từ giới đầu cơ. Từ đây, thị trường rơi vào trạng thái giá điên đảo. Điển hình cho sự “ảo” giá đất phải nhắc tới thị trường bất động sản Bình Phước. Hồi tháng 3, tỉnh này có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ mở rộng sân bay Téc-ních tại huyện Hớn Quản. Ngay lập tức giới đầu tư, đầu cơ ở Bình Phước rồi từ TP.HCM, Bình Dương đã tự tạo nên thông quy hoạch, đổ về địa phương này tạo ra “cơn sốt” đất. Giá đất từ vài trăm nghìn đồng đã lên tới hàng chục triệu đồng, dù phần lớn nguồn gốc đất chỉ là đất nông nghiệp. Sau 1 tuần, cơn “sốt” đất tại Bình Phước trở nên nguội lạnh. Những nhà đầu tư đến sau sập bẫy chiêu trò của các nhóm đầu tư đi trước.
Tương tự, cơn sốt đất nổi lên ở Ninh Hòa, Cam Lâm (Khánh Hòa), Đắk Nông, Bình Thuận… với cùng lý do nghe thông tin từ các tập đoàn lớn đổ về đầu tư dự án. Các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) cũng đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư đổ về.
Điển hình nhất cho tình trạng này là xảy ra tại xã Ninh Xuân, Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa). Theo người dân địa phương, nhóm người đến gom đất đi ô tô, chốt hợp đồng ngay trong nháy mắt. “Hết nhóm này đi thì nhóm khác lại kéo tới khiến làng quê không còn cảnh yên bình. Có những lô đất tiền tỷ được chốt cọc trong 10-15 phút”, người dân địa phương cho hay. Theo một số môi giới bất động sản ở Khánh Hòa, khu vực Ninh Phú từ vài tháng trước giá đất thổ cư dao động 4-5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8-10 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Trong khi đó, khu vực tỉnh lộ 5, tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước đó từ 15-20 triệu đồng/mét ngang, nay tăng vọt lên 60 – 100 triệu đồng/mét ngang, tùy vị trí. Các vị trí đất nằm ven biển, các con đường nhựa lớn dao động từ 200-220 triệu đồng/mét ngang. Trước tình trạng này, bước đầu UBND thị xã Ninh Hòa cho biết đã có văn bản thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ 10/12. Cụ thể, việc tạm dừng này sẽ áp dụng cho đến khi quy hoạch sử dụng đất năm 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của thị xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó tại huyện Cam Lâm cũng nổi lên tình trạng môi giới dùng “chiêu bài” đổ trụ bê tông, chôn cột mốc để đánh lừa khách hàng là vị trí cột mốc của các dự án bất động sản lớn. Tình trạng này xảy ra khoảng nửa tháng nay, với hàng chục cột mốc khác nhau. Theo người dân địa phương, từ lúc các cột mốc giả mạo được chôn xuống, giá đất cứ “bốc đầu” tăng từng ngày.
Hay như câu chuyện ở TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) mới đây cũng là lời cảnh báo cho nhiều khách hàng và giới đầu tư thứ cấp. Lợi dụng chính sách hiến đất, làm đường, người dân địa phương, giới đầu tư ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khách về đây tự “vẽ” lên những dự án bất động sản để đẩy giá lên cao. Những đồi chè nổi tiếng ở Bảo Lộc đang dần bị “xóa sổ”, bê tông hóa bằng vài con đường ngang dọc.
Giai đoạn trước đây, những cơn sốt đất thường là các sản phẩm bất động sản mang tính chất thương mại do các chủ đầu tư tạo lập. Nhưng giai đoạn vừa qua, cơn sốt đất chủ yếu mang tính chất trên đất nông nghiệp ở các địa phương, không phải là các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản.
Tổng Hợp