Phát biểu tại hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng diễn ra ngày 18/12, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tới 3 nội dung lớn, quan trọng trong năm 2022.
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt.
“Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động. Theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM, Bộ trưởng cho hay.
Trong đó, thứ nhất là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Thứ hai, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị.
Thứ ba là đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Trong báo cáo tổng kết năm 2021, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng nhằm phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Cụ thể, đó là đề xuất cơ chế chính sách và gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung – cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
Theo Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng Covid 19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Tuy nhiên từ đầu tháng 10, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Về công tác thanh tra, báo cáo cho biết Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 8 đoàn theo kế hoạch và đột xuất, cụ thể: 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch 2021, 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; cử cán bộ tham gia 4 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Tổng Hợp