Tình trạng sốt đất tái xuất hiện ở nhiều địa phương, đất “sốt ảo”, phân lô bán nền tràn lan. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện minh bạch thông tin quy hoạch đất đai của cơ quan quản lý nhà nước “nóng” trở lại, khi tình trạng giá đất tăng bất thường, phân lô bán nền tràn lan tái xuất hiện ở nhiều địa phương thời gian gần đây…
UBND tỉnh Đồng Nai vừa công bố kết luận của Phó chủ tịch Võ Văn Phi về xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh và một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, chỉ tính riêng trong tháng 11/2021, tỉnh này có 1.081 trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng, trong đó 94 trường hợp vi phạm về phân lô bán nền, gần 600 trường hợp lấn chiếm đất công…
Tại Lâm Đồng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh về việc nhiều dự án thực hiện không đúng quy hoạch, xẻ đồi chè để phân lô bán nền, trong đó có những dự án quy mô lớn từ 10-40 ha và nằm ngay trung tâm TP. Bảo Lộc. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, do sự khan hiếm nguồn cung ở trung tâm thành phố, nhà đầu tư ngày càng có xu hướng tìm đến khu vực vùng ven, khiến thị trường đất nền nơi đây tăng giá và đây là điều bình thường. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu giá đất tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, đó là dấu hiệu “sốt ảo”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam – cũng lo ngại sốt đất quay trở lại. Ông thừa nhận có nhiều dấu hiệu đang bắt đầu cho thấy điều đó. Theo ông, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung, một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao. “Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư cơ tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả”, ông Đính lo ngại.
Đặc điểm của những “cơn sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, các dự án đại đô thị… và một trong những nguyên nhân gây ra “sốt” đất là thông tin quy hoạch sử dụng đất còn chưa rõ ràng, minh bạch, tạo kẽ hở cho những đối tượng xấu lợi dụng tung tin đồn thổi, làm sai lệch hoặc gây nhiễu loạn nhằm đẩy giá nhà đất lên cao để trục lợi. Trong nhiều “cơn sốt” đất, có những trường hợp “nhóm lợi ích” chủ động công bố thông tin quy hoạch chậm trễ nhằm “tạo sóng”, đẩy giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn rồi bán ra kiếm lời.
Không ít người cho rằng, điều đó phần nào chứng tỏ sức “nóng” của thị trường bất động sản. Một số cẩn trọng hơn cho rằng đó là cách các môi giới “quảng cáo”, hâm nóng thị trường, hút khách. Ngay sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản như sau nén lại “bung” ra. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói nguồn lực trong dân còn rất nhiều là không sai, một chuyên gia về tài chính nhận xét.
Chủ tịch Hội môi giới cho rằng không còn cách nào là tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài. Còn về giải pháp trước mắt để xử lý cơn sốt đất đang “đe dọa” thị trường, ông Đính cho rằng các địa phương sẽ cần sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm.
Bên cạnh các quy luật giá trị, cạnh tranh, cung – cầu khiến giá BĐS tăng, hoặc giảm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nói thẳng “không loại trừ chuyện các nhà đầu cơ, cò mồi, chủ đầu tư “bất lương” tung tin đồn thổi để kích đám đông, thổi giá”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, việc tăng giá còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. Điều này phù hợp với kinh nghiệm của nhiều BĐ từng rơi vào bẫy do những chiêu trò sốt ảo, đẩy giá.
Về giải pháp quản lý, nhà nước, ngân hàng nên điều tiết vay vốn hoặc dùng công cụ thuế để tránh hiện tượng gom đất chờ thời cơ, thổi giá kiếm lời. Về phía người dân, cần thận trọng trước những chiêu trò của nhà đầu tư và môi giới kẻo “tiền mất, tật mang”. Giải pháp căn cơ vẫn phải là: cơ quan chức năng, các địa phương minh bạch thông tin quy hoạch, giá đất… Siết chặt hoạt động của những người hoạt động môi giới, các sàn giao dịch BĐS; nhanh chóng vào cuộc khi có hiện tượng “thổi giá” và chấn chỉnh ngay sau đó bằng các biện pháp quản lý.
Tổng Hợp