Theo lời kể của ông Tân, nhà đầu tư nghĩ rằng khi họ giao tiền cho các công ty quản lý quỹ mà đầu tư thua lỗ thì các công ty quản lý quỹ phải chịu trách nhiệm. Ông Tân cho rằng, nhà đầu tư nên xác định đây là mối quan hệ hợp tác, thành công thì cùng hưởng, thất bại thì cùng chịu.
VTV24 mới đây đã phát sóng Tự do tài chính số thứ nhất với chủ đề Làm chủ hay làm thuê. Trong chương trình, ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam đã chia sẻ về những trải nghiệm khi làm quản lý quỹ.
Làm chủ tiền của mình đã khó, làm chủ tiền của thiên hạ thì như thế nào?
Ông Trần Thanh Tân: Chắc chắn là khó hơn nhiều. Nếu như tôi có cơ hội để đầu tư một cái gì đó và tôi mất tiền thì tôi âm thầm chịu đựng một mình. Còn nếu làm mất tiền của nhà đầu tư, điều đó khủng khiếp lắm.
Anh đã bao giờ gặp rắc rối hoặc bị đe dọa bởi những người đưa tiền cho mình chưa? Và anh xử lý như thế nào?
– Có thể các bạn trẻ hiểu và thông cảm cho những nhà quản lý quỹ như tôi. Trong cuộc đời tôi, tôi đã 3 lần bị đe dọa giết vì thị trường biến động, nhà đầu tư mất tiền và họ không nghĩ rằng đó là việc của thị trường, không nghĩ rằng đó là việc tôi đầu tư không có hiệu quả. Đơn giản họ nghĩ: “khi giao tiền cho anh, anh làm mất tiền và tôi phải trút trách nhiệm đó cho anh”, và đã 3 lần tôi bị dọa giết.
Vậy để làm thế nào để không có lần thứ tư?
– Đây là kinh nghiệm thường gặp ở những nước có thị trường vốn non trẻ, nhưng tôi tin rằng ở các nước phát triển điều này cũng thỉnh thoảng sẽ xảy ra. Cho nên, tất cả đều phải thật sự minh bạch. Tất cả những gì mình làm đều phải nói cho nhà đầu tư biết, là “chúng tôi làm như vậy, chúng tôi không cam kết, chúng tôi không chịu trách nhiệm rằng việc đầu tư là bắt buộc phải có lãi”.
Đơn giản nhất, đầu tư có nghĩa là lãi và lỗ. Lãi chúng ta cùng chia và lỗ chúng ta cùng cắn răng chịu, bởi vì đó là thị trường.
Công ty quản lý quỹ cắn răng chịu ở đây là chịu cái gì?
Công ty quản lý quỹ không cắn răng chịu. Tôi lấy ví dụ, tôi quản lý 100 tỷ, tôi nhận phí 1,5%. Nếu 100 tỷ lên 200 tỷ, thì 1,5% có thể được nâng lên thành 2% tôi sẽ được một số tiền và ngược lại.
Cho nên, tất cả những chuyện này phải minh bạch và phải rõ ràng, thể hiện tính chuyên nghiệp. Không chỉ chuyên nghiệp từ nhà quản lỹ quỹ mà còn chuyên nghiệp từ nhà đầu tư. Có lẽ đó cũng là nguyên do mà chúng ta có chương trình giáo dục nhà đầu tư hiểu biết về đầu tư và hiểu biết về tài chính.
Nếu không, những việc đổ thừa từ trên trời rơi xuống đôi khi sẽ khiến các nhà quản lý quỹ không chịu đựng nổi.
Nếu như tôi là một nhà đầu tư, tôi giao tiền cho một công ty quản lý quỹ, mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng và khi thị trường đi lên tôi sẽ chia sẻ khoản lợi nhuận cho công ty quản lý quỹ. Vậy, nếu thị trường giảm, số tiền tôi đầu tư giảm đi, thì tôi vẫn phải mất khoản phí đó cho công ty quản lý quỹ, như thế có công bằng cho tôi không?
Trên thực tế, đó là điều công bằng bởi việc thu nhập của công ty quản lý quỹ đã giảm khi quy mô số tiền đầu tư giảm đi theo thị trường. Thành công thì cùng hưởng, thất bại thì cùng chịu.
Cùng chịu? Công ty quản lý quỹ cùng chịu ở đây là cùng chịu điều gì?
Thu nhập của mình giảm đi.