Hàng loạt đơn vị rời bỏ chung cư, để lại những dãy nhà kinh doanh tầng 1 tan hoang, tối om khi thành phố lên đèn.
Chưa hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng trong tháng 11, cửa hàng tiện ích đã đóng cửa chuyển đi sau gần 5 năm kinh doanh tại kios tầng 1 chung cư ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Do ảnh hưởng của dịch và tái cơ cấu lại các địa điểm kinh doanh không có lãi, cửa hàng này buộc phải đóng cửa.
Người dân trong khu chung cư cảm thấy tiếc khi không còn cửa hàng tiện ích dưới chân tòa nhà. Còn quản lý cửa hàng cũng như nhân viên ở đây cũng buồn khi nói lời tạm biệt sau nhiều năm quen mặt cư dân.
Trước cửa hàng tiện ích này, một phòng khám với diện tích thuê lên tới hàng trăm mét vuông sàn cùng tại chung cư này cũng đã đóng cửa. Một đơn vị kinh doanh cà phê cũng đang có kế hoạch rời đi nếu không đàm phán được giá thuê mặt bằng trong những tháng tiếp theo.
Nhiều cửa hàng đóng cửa rời bỏ chung cư (Ảnh:D.Anh)
Tương tự, tại một chung cư ngay đó, những dãy kinh doanh từng quảng cáo sầm uất nào là “gà đẻ trứng vàng, thu tiền hàng tháng” nay cũng đang im lìm. Nhìn vào cửa kính các kios này, những bộ bàn ghế gẫy, vật liệu xây dựng, rác thải còn sót lại ngổn ngang. Thậm chí, một số cửa hàng rời đi mà không khóa cửa. Những dãy nhà im lìm khiến người đi lại vào buổi tối cảm giác lạnh người.
Chị Thu Thủy, một cư dân sống tại Linh Đàm, cho hay: “Cách đây một năm thôi, các hàng quán sáng đèn nhộn nhịp, giờ đóng cửa lạnh tanh. Mỗi lần đi qua buổi tối mới thấy cảnh ảm đạm”.
Khu vực Linh Đàm từng được đánh giá là địa điểm kinh doanh sầm uất với số lượng cư dân lớn. Với những cửa hàng kinh doanh bán lẻ, đây là khu vực đầy tiềm năng. Cũng chính vì sự kỳ vọng này mà giá mặt bằng cho thuê bị đảy lên khá cao, khiến các chủ cửa hàng kinh doanh gặp áp lực lớn về chi phí. Họ sẵn sàng rời đi ngay lập tức khi sức mua giảm.
Khảo sát tại các chung cư vùng ven, tình trạng cửa đóng then cài diễn ra tương tự. Các dãy nhà kinh doanh tầng 1 chung cư bị ảnh hưởng của dịch đã đua nhau đóng cửa. Thậm chí, có chung cư cả dãy không có một cửa hàng nào hoạt động.
Bà Thắm, một cư dân ở Trung Văn, Nam Từ Liêm, nói rằng: “Mình mua chung cư ở đây vì tiện lợi cái gì thiếu xuống nhà là có. Nay họ rời đi hết, những người già như tôi lại phải đi xa hơn mới mua được mớ rau, miếng thịt. Không biết hết dịch họ có trở lại không chứ tầng 1 mà vắng thì buồn quá”.
La liệt chung cư treo biển cho thuê tầng 1 (Ảnh:D.A)Dãy kinh doanh từng một thời sầm uất nay vắng vẻ im lìm (Ảnh:DA)Nhiều dãy kinh doanh tầng 1 chung cư đang trống (Ảnh:D.A)
Không chỉ vùng ven mà các khu vực trung tâm, các chung cư cũng đang trống mặt bằng tầng một. Tại một dự án ở đường Trường Chinh, hơn một nửa tầng một của chung cư đang treo biển cho thuê. Trước đó, chung cư này là địa điểm thu hút được nhiều thương hiệu lớn như cà phê, chuỗi ăn nhanh, thời trang.
Tình cảnh càng khó hơn đối với các chung cư mới đi vào hoạt động. Các dãy kinh doanh tầng 1 bỏ không, treo biển cho thuê cả năm vẫn không có khách. Chị Đỗ Hà (chuyên kinh doanh thực phẩm sạch), nhận xét, các đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn rất lớn. Các khu vực chung cư dù đông dân nhưng sức mua vẫn rất thấp. Trong khi đó, chi phí mặt bằng lớn nên họ sẽ phải cân nhắc khi kinh doanh tại đây.
Việc các cửa hàng kinh doanh rời đi tại các khu chung cư đang gây áp lực lớn cho chủ nhà. Tùy từng vị trí, cơ sở vật chất mà mức giá cho thuê giảm từ 20-30%, thậm chí giảm sâu đến 50%. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khách hàng khác như giảm giá thuê cả năm, cam kết không tăng giá trong thời gian dài, đóng tiền theo tháng… để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ cho thuê.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các cửa hàng đông đúc sáng đèn như trước khi dịch tại các chung cư sẽ còn phải một thời gian dài. Người dân cũng cần thích nghi với cuộc sống những chung cư thiếu tiện ích.