Hai tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc Evergrande và Kaisa vừa bị tuyên bố chính thức vỡ nợ sau nhiều tuần không thể thanh toán được hơn 1 tỷ USD nợ trái phiếu.
Bắt đầu từ năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã “châm ngòi” cho cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khi khởi động các biện pháp hạn chế nợ quá mức của các công ty bất động sản cũng như nạn đầu cơ trên thị trường này.
Với “núi nợ” hơn 300 tỷ USD, Evergrande đã ngấp nghé bờ vực phá sản trong nhiều tháng qua. Công ty này đã hai lần tránh được vỡ nợ trong phút chót.
Hôm qua (9/12), hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã tuyên bố Evergrande vỡ nợ lần đầu tiên với khoản nợ trái phiếu bằng đồng USD trị giá hơn 1,2 tỷ USD, hạ bậc tín nhiệm của nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này xuống mức “vỡ nợ hạn chế”.
Sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn chiếm một tỷ trọng đáng kể đối với nền kinh tế nước này, có thể gây ra những tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những tai ương của Evergrande không chỉ làm rung chuyển thị trường chứng khoán mà còn khiến cho ngành bất động sản nước này, vốn chiếm phần lớn trong trái phiếu bằng đồng USD phát hành tại thị trường nước ngoài của Trung Quốc, cũng lao đao.
Tuy nhiên, một vụ vỡ nợ được suy đoán lâu nay, với lo ngại nó có thể gây tác động lan truyền tương tự như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư của Mỹ Lehman Brothers gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 đã không xảy ra.
Đó là bởi các nhà chức trách Trung Quốc dường như không cho phép một kiểu sụp đổ bất ngờ kiểu Lehman hồi năm 2008. Thay vào đó, theo các nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ giám sát “sự sụp đổ một cách có kiểm soát” đối với Evergrande.
Nói với Bloomberg, ông Ashley Alder – người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông – cho rằng: “Hệ thống tài chính ở đây hay ở bất cứ đâu có bị tổn thương trước những cú sập như Lehman không? Câu trả lời là không”.
Cuối tuần trước, Evergrande đã phải lên tiếng thừa nhận họ có thể sẽ không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính của mình. Điều đó đồng nghĩa thị trường phải chuẩn bị cho tình huống vỡ nợ.
Tuyên bố này của Evergrande khiến chính quyền địa phương ở Quảng Đông, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn, đã phải triệu tập gấp Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn và thông báo chính quyền sẽ gửi một nhóm tới công ty để giám sát hoạt động.
Các nhà phân tích cho rằng, động thái này báo hiệu quá trình tái cấu trúc nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc chính thức bắt đầu.
“Tôi nghĩ rằng thị trường đã định giá vỡ nợ đối Evergrande và nhiều nhà phát triển bất động sản khác”, Chuanyi Zhou, chuyên gia phân tích tín dụng của Lucror Analytics nói với AFP. Do đó, nhà phân tích này cho rằng, việc Evergrande bị tuyên bố chính thức vỡ nợ hôm qua có khả năng sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc này.
Tuy nhiên, với sự vỡ nợ đồng thời của Kaisa, công ty bất động sản lớn thứ 27 của Trung Quốc về doanh số, dường như quá muộn để tránh một số hiệu ứng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ ở Evergrande.
Vốn đổ lỗi cho những tai ương của Evergrande là do tập đoàn này “quản lý yếu kém” và “phát triển liều lĩnh”, sau thông tin Evergrande bị tuyên bố vỡ nợ, người đứng đầu ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn ám chỉ rằng, vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng thị trường.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc miễn cưỡng bảo lãnh cho Evergrande nhưng những động thái nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng lan rộng của các nhà quản lý đã phần nào giảm lo ngại của nhà đầu tư về một cuộc sụp đổ mất kiểm soát.
“Rõ ràng nhà nước đang tham gia tích cực vào việc kiểm soát tình hình”, Shehzad Qazi – Giám đốc điều hành Công ty phân tích dữ liệu China Beige Book – nói với AFP.
Meng Ting, chiến lược gia tín dụng cấp cao của Ngân hàng ANZ cho rằng: “Vấn đề ưu tiên lúc này chắc chắn là đảm bảo bàn giao những ngôi nhà đang dở dang, sau đó sẽ trả nợ theo mức độ ưu tiên của các trái phiếu”.
Ít nhất đã có 11 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu kể từ khi những lo ngại Evergrande vỡ nợ bắt đầu gia tăng hồi tháng 6.
Tập đoàn Kaisa, đã bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông hôm 8/12, là một trong những doanh nghiệp bất động sản mới nhất tại Trung Quốc rơi vào tình trạng vỡ nợ. Những tai ương của công ty bất động sản này ngày càng trầm trọng khi nợ trái phiếu của công ty ước tính lên đến 11,6 tỷ USD.
Theo Bloomberg, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% trong tổng số 10,2 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD phát hành tại thị trường nước ngoài của Trung Quốc bị vỡ nợ trong năm nay.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản ở Evergrande đã kéo theo sự can thiệp của chính phủ vào những công ty đang mắc nợ khác như tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc – HNA Group. Việc tái cơ cấu của HNA đã không gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư dù quy mô lớn hơn Evergrande. Tuy nhiên, lần này tập đoàn này có thể sẽ gặp thách thức lớn hơn.
Dẫu vậy, dù cho có chuyện gì xảy ra với Evergrande đi chăng nữa, việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát trên diện rộng cũng đã gây ra tác động lớn đối với lĩnh vực bất động sản và làm sâu sắc những lo ngại đối với sức khỏe tài chính của các tập đoàn bất động sản chủ chốt, gián tiếp khiến doanh số bán nhà và giá nhà tại nước này đi xuống.
Nhật Linh
Theo Economic Times