Không nằm ngoài vòng xoáy chung của thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lo ngại nguy cơ lạm phát cao đang khiến nhiều nhà đầu tư dồn tiền vào kênh trú ẩn an toàn là bất động sản. Nguồn cung mới khan hiếm nhưng nhu cầu lớn đang khiến giá nhà đất không ngừng tăng.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản một số vùng ven và tỉnh lân cận của Hà Nội rất sôi động. Trong đó, các sản phẩm đất nền từ tách thửa, hay đất đấu giá đang được số lượng lớn giới đầu tư “săn đón”. Đơn cử, kết quả từ các đất đấu giá ở các huyện ngoại thành của Hà Nội có kết quả trúng cao hơn 2-3 lần giá khởi điểm. Cá biệt, giá trúng nhiều lô đất đấu giá tại huyện Quốc Oai đấu giá tháng 11 vừa qua đạt ngưỡng gần 100 triệu đồng/m2, cao ngang ngửa với đất các quận trung tâm của Hà Nội.
Tại các địa phương khác như Thanh Hóa, Đồng Nai, TP.HCM… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8 – 10%. Dịch bệnh được kiểm soát tích cực khiến mức độ quan tâm nhà đất tại nhiều tỉnh thành phía Nam bùng nổ. Đặc biệt là ở Long An, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu Bình Dương đang có xu hướng tăng trưởng nhu cầu mua ở loại hình căn hộ, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An đang là hai thị trường đứng đầu về thu hút người mua đất nền, nhà phố với mức tăng trung bình là 73% và 64%.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ tiền vào địa ốc, nhà liền thổ, đất nền là hai phân khúc hấp dẫn nhất để hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng giá ấn tượng trong suốt một thập kỷ qua. Xu hướng này thể hiện rõ nhất tại khu vực phía Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng thị trường luôn sôi động. Không ít nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm chờ giá bất động sản giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện cho rằng nhà đầu tư nếu đã sẵn sàng thì đây là thời điểm thích hợp để xuống tiền, thị trường rất khó quay đầu giảm giá như mong đợi.
Các lệnh giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước đã khiến các doanh nghiệp phát triển nhà ở gần như không thể triển khai các hoạt động xây dựng, bán hàng. Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp lớn đã tạm dừng các hoạt động mở bán và chưa có kế hoạch triển khai dự án cuối năm. Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, nguồn cung nhà, đất trên địa bàn trong thời gian qua giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao. Đối với một công trình xây dựng, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm 40-70% tổng dự toán công trình. Nếu chỉ tính riêng sự tăng giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch thì đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25-1,4 lần. Chính vì vậy, sẽ rất khó xảy ra kịch bản thị trường bất động sản giảm giá hàng loạt khi mà chi phí đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp liên tục gia tăng như hiện nay. Nguồn cung mới khan hiếm, chi phí tư và xây dựng dự án leo thang là những yếu tố đang được các chuyên gia dự báo là nguyên nhân khiến giá nhà tại TP.HCM khó giảm trong thời gian tới.
Thị trường có thể không có mức giá giảm như kỳ vọng nhưng lại giữ giá không tăng mạnh, nhiều cơ hội lựa chọn hơn khi có nhiều nhà đầu tư khác đang muốn ra hàng. Việc mua bán nhanh chóng một phần có từ tâm lý bị dồn nén suốt nhiều tháng qua và muốn tạo một thành quả gì đó trong một năm kinh tế cũng như thị trường bất động sản trải qua nhiều biến động. Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản trong tháng 10.2021 cho biết, ngay sau khi nới lỏng giãn cách nhu cầu tìm mua bất động sản trên cả nước tăng mạnh, đặc biệt nhiều tỉnh thành phía Nam phục hồi từ 50 – 90%.
Hai năm gần đây, thị trường bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Nguyên nhân chính là do quỹ đất phát triển nhà ở tại các đô thị lớn hạn chế, chi phí tài chính về đất tăng cao, thời gian cấp phép dự án kéo dài. Đặc biệt, các cuộc thanh, kiểm tra pháp lý các dự án đã được cấp phép kéo dài khiến cho nguồn cung mới bị siết chặt. Đây cũng chính là yếu tố đẩy giá nhà đất tại nhiều tỉnh thành tăng cục bộ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, số lượng dự án bất động sản được cấp mới đã giảm mạnh. Năm 2019, thành phố Hà Nội có 61 dự án, TP.HCM có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà, giảm khoảng 80 % so với các năm trước đó. Năm 2020, thành phố Hà Nội có 19 dự án, TP.HCM có 22 dự án được cấp mới. Theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, việc tiếp cận đất đai hiện nay rất khó khăn khiến số lượng dự án bất động sản được cấp mới giảm 80%. Vì vậy, giá đất nền tại một số địa phương đã tăng cao, thậm chí xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn giao dịch, mua bán.
Tại TPHCM, với nguồn cung mới ngày càng ít, mặt bằng giá sơ cấp các phân khúc có sự điều chỉnh tăng. Thị trường căn hộ TPHCM và các tỉnh giáp ranh trong quý 2 năm 2021 ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý 1/2021, trong đó nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%. Mức giá sơ cấp tại TPHCM trong nửa đầu quý 2 tăng khoảng 3-5%. Nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư thua lỗ nên nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi ngành kinh doanh truyền thống, để chuyển dòng vốn hướng vào bất động sản. Điều này đã làm tăng hơn khoảng 30% lực cầu đầu tư trong thị trường bất động sản.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)