Từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt. Các hãng bay đề xuất vay ưu đãi để chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 – 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như thực hiện với Vietnam Airlines.
Số vay cụ thể sẽ căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách. Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 – 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, nhà nước cấp bù lãi suất 4-5% nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.
Bên cạnh đó, đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành, về mức 1.000 đồng/lít, thấp hơn 500 đồng/lít so với đề xuất của Bộ Tài chính. Được biết, trong dự thảo Nghị quyết đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường với nhiện liệu bay từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với biểu thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018.
Về mức phí, khung giá hỗ trợ theo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, VABA đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép áp dụng mức hỗ trợ từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa quy định tại Thông tư số 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch. Lý do cần ưu tiên hỗ trợ hãng hàng không là vì ngành hàng không có tính lan tỏa rộng, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 các hãng hàng không Việt Nam khai thác 109.246 chuyến bay, giảm sâu 38,3% so với cùng kỳ.
Còn nhiều nghi ngại về quy định cách ly, nhập cảnh và giới hạn ở một số quốc gia với tần suất bay thấp khiến hàng không khó bật lên như lò xo bị dồn nén lâu ngày. Tuy nhiên, khi “thiên thời, địa lợi” có đủ, nếu còn tiếp tục trì hoãn, thì nhiều doanh nghiệp ngành hàng không sẽ “mất tăm” trên thị trường
Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Điều này đồng nghĩa gần 2 năm qua, doanh thu từ mảng khai thác đường bay quốc tế của các hãng bay lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air đều “cụp cánh” đắp chiếu. Nhìn lại năm 2019, Vietnam Airlines chứng kiến doanh thu hợp nhất đạt mức kỷ lục vượt 100.000 tỷ đồng, trong đó, toàn bộ mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu của Tổng công ty, hay chiếm 50% doanh thu thị trường quốc tế của VietJet Air. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không sẽ chạm tới hạn.
Còn nhiều băn khoăn khi mở lại đường bay quốc tế, phương châm của Việt Nam là linh hoạt, chậm nhưng chắc, không thể có nguồn lực dự trữ để đóng cửa mãi. Vị chuyên gia này cho rằng việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế, bắt đầu từ quý 1/2022 là đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình, tránh tối đa tình huống mở ra rồi lại đóng, tiêu hao nguồn lực.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)