Biến thể Omicron có thể đảo ngược nhiều thành tựu kinh tế mà thế giới đã nỗ lực tạo ra trong suốt những tháng qua…
Không ít đơn vị quan sát thị trường nhận định tương lai của nền kinh tế và các thị trường tài chính phụ thuộc vào những phát hiện của các nhà khoa học về biến thể virus mới, bao gồm khả năng kháng vaccine và lây truyền của chủng Omicron và sẽ tiếp tục biến động biên độ lớn khi các quốc gia đánh giá nguy cơ.
Trong trường hợp xấu nhất, các nước trên thế giới lại phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus lây lan. Điều này sẽ đe dọa lên chuỗi cung ứng vốn đang căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi. Khả năng này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của một biến số kép giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại. Những nhà kinh tế của Goldman Sachs Group đã đưa ra bốn kịch bản về mức độ tác động của biến thể Omicron. Kịch bản tiêu cực là thế giới sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý đầu tiên của năm tới.
Hôm qua (30/11), CEO hãng dược Moderna Stephane Bancel nhấn mạnh các vaccine hiện tại có thể không thực sự hiệu quả đối với biến thể mới. Đặc biệt, nếu so với biến thể Delta, hiệu quả của các mũi tiêm hiện tại đối với Omicron có khả năng sụt giảm đáng kể. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng các công ty dược phẩm sẽ mất nhiều tháng để có thể sản xuất vaccine quy mô lớn cho loại biến chủng này.
Do đó, nếu kịch bản tiêu cực trở thành hiện thực, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, với tốc độ tăng quý I năm sau chỉ khoảng 2%, thấp hơn 2,5% so với dự báo hiện tại. Tăng trưởng cả năm 2022 có thể giảm 0,4% xuống còn 4,2%. Một kịch bản tích cực hơn là biến thể mới không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của nó sẽ là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, có khả năng lặp lại trong nhiều năm tới. Omicron vẫn còn là một bí ẩn đang chờ các nhà khoa học tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu nó khiến đại dịch kéo dài, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao, tăng trưởng việc làm bị ảnh hưởng và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ tồi tệ hơn.
Biến thể Omicron xuất hiện đúng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang muốn đẩy nhanh việc giảm chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế. Các ngân hàng trung ương Anh (BOE) và châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị đưa ra động thái tương tự trong vài tuần tới. Do đó, sự xuất hiện biến thể Omicron cũng có thể cản đường phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới và tránh nguy cơ lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận những lo ngại nói trên, trong bản nội dung chuẩn bị cho phiên điều trần của ông tại Thượng viện Mỹ hôm 30/11: “Làn sóng đại dịch gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể tạo rủi ro với thị trường việc làm và chuỗi cung ứng, cũng như gia tăng sự không chắc chắn về vấn đề lạm phát”.
Ngoài cổ phiếu, hàng loạt tài sản khác cũng lao đao. Giá dầu thô Mỹ WTI giảm hơn 13% xuống 68,15 USD/thùng – phiên tệ nhất kể từ tháng 4/2020. Giá dầu Brent cũng mất 11,55%, còn 72,72 USD/thùng. Nỗi lo ngại về biến thể virus mới đang dần bao phủ thị trường. Các nhà đầu tư gấp rút bán tháo các tài sản rủi ro để quay trở lại kênh trú ẩn an toàn như vàng. Giá vàng thế giới có thời điểm bật tăng 1%, nhích lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước trước khi ổn định trở lại cuối phiên.
không phải toàn bộ giới chuyên gia đều nhìn thấy một kịch bản tiêu cực. Một số nhà kinh tế cho rằng mức độ ảnh hưởng của biến thể mới có thể thấp hơn so với năm 2020.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)