Số liệu từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy tổng dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đến thời điểm 30/9 lên tới khoảng 66.556 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cuối năm 2020.
NHNN đã ban hành 3 Thông tư 01, 03, 14 quy định về cơ cấu nợ, giãn nợ. Trên 600 nghìn tỷ đã được cơ cấu nợ, nhưng đây mới chỉ là số liệu bước đầu. Từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu. Các ngân hàng cũng rất tích cực xử lý nợ xấu thông qua hình thức rao bán trực tiếp hoặc thanh lý tài sản đảm bảo.
Trong 28 ngân hàng khảo sát, Techcombank có tỷ lệ Nợ nhóm 5/Tổng dư nợ thấp nhất ở mức 0,1%. Con số này liên tục được duy trì kể từ đầu năm chủ yếu do ngân hàng tích cực sử dụng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
Ngoài Techcombank, một số nhà băng khác cũng sở hữu tỷ lệ Nợ nhóm 5/Tổng dư nợ ở mức rất thấp như TPBank (0,2%), VietinBank (0,3%), VPBank (0,3%), MB (0,3%), Bac A Bank (0,4%). Ngược lại, PG Bank và Viet Capital Bank dù chỉ có vài trăm tỷ nợ nhóm 5 nhưng vẫn chiếm hơn 2% tổng dư nợ cho vay và là hai ngân hàng có tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn cao nhất nhì hệ thống.
Sau 9 tháng đầu năm, có tổng cộng 16/28 ngân hàng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng so với cuối năm trước. Trong đó, Nam A Bank đứng đầu về tốc độ tăng khi nợ nhóm 5 của ngân hàng này vào cuối quý III ở mức 1.156 tỷ, gấp 2,5 lần hồi đầu năm. Đứng kế sau là HDBank (+56,1%), ABBank (+52%), Vietcombank (+44,7%), SHB (+29,9%),…
Ngược lại, nợ nhóm 5 của Kienlongbank giảm mạnh nhất, từ mức 1.782 tỷ hồi cuối năm 2020 xuống còn 537 tỷ. Kết quả này có được nhờ ngân hàng hoàn tất xử lý khoản nợ có khả năng mất vốn gần 1.900 tỷ được đảm bảo bởi 176 triệu cổ phiếu STB. Ngoài Kienlongbank, 11 ngân hàng khác cũng giảm được nhóm nợ này trong 9 tháng đầu năm như VPBank (-47%), VietinBank (-41,4%), TPBank (-29,4%), Eximbank (-26,5%), LienVietPostBank (-21,9%).
Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III nên tạm tính theo số liệu đến 30/6, ngân hàng này đang đứng đầu hệ thống về nợ có khả năng mất vốn với 14.330 tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này đã giảm hơn 12% so với cuối năm 2020, tương đương giảm hơn 2.000 tỷ đồng. Đứng kế sau Agribank, nợ nhóm 5 của BIDV đến cuối quý III ở mức 13.881 tỷ đồng, giảm 1.809 tỷ so với cuối quý II và giảm 2.644 tỷ so với cuối năm trước.
Ngược với Agribank và BIDV, Vietcombank ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng 1.941 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đưa tổng nợ nhóm 5 vào cuối quý III lên gần 6.279 tỷ đồng. Tương tự, nhóm nợ này tại SHB cũng tăng gần 30%, ở mức 4.937 tỷ.
Ngoài những ngân hàng kể trên thì Sacombank, VietinBank, VIB, ACB, Eximbank và SeABank cũng nằm trong Top 10 ngân hàng có nhiều nợ nhóm 5 nhất tại thời điểm 30/9. Nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng đứng đầu này lên tới 53.084 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng nợ nhóm 5 của 28 ngân hàng khảo sát.
Mặc dù có hàng nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn nhưng đây đều là các nhà băng đứng đầu về dư nợ cho vay. Bởi vậy, tỷ lệ nợ nhóm 5 chỉ dao động trong khoảng 0,3 – 1,5% tổng dư nợ tại thời điểm quý III. Điển hình như VietinBank, tuy có tới hơn 3.500 tỷ nợ có khả năng mất vốn nhưng con số này chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ cho vay.
PV
(Tổng Hợp)