Những lĩnh vực bị tác động mạnh bởi COVID-19 như du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải.sẽ khó có thưởng Tết. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp cố gắng đảm bảo 1-3 tháng lương cho người lao động.
Từ câu chuyện lương thưởng nhìn rộng ra có thể thấy rằng, chính sách đầu tư cho người lao động chính là khoản đầu tư sinh lời của doanh nghiệp vì khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất.
Một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính-ngân hàng, chứng khoán..khả năng mức thưởng vẫn khả quan. Theo tìm hiểu tại một ngân hàng thương mại lớn nằm trong nhóm Big4, chính sách thưởng Tết năm nay đến thời điểm hiện tại chưa có gì thay đổi so với năm ngoái.
Dịp Tết cán bộ nhân viên sẽ được bổ sung thêm 1 tháng lương. Cần phải nói thêm rằng Big4 đều trả lương nhân sự theo KPI , tiền lương mỗi tháng sẽ được doanh nghiệp giữ lại 10-20%, sau đó cuối năm căn cứ KPI để quyết toán, khoản này nếu cộng cả năm cũng tương đương thêm 2 tháng lương, nhưng thực chất lại là tiền lương chưa lĩnh trong cả năm của người lao động. Nhìn lại năm 2021, một số ngân hàng chi thưởng Tết 7-8 tháng lương, tuy nhiên cũng rất ít nhân sự có thể đạt được mức thưởng này.
Đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản, các doanh nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm và tiền lương hàng tháng cho người lao động, cùng với mức thưởng Tết 3 tháng lương. Ở phương diện các ngành nghề, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử… thì khả năng thưởng sẽ vẫn khả quan. Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách… khó có thưởng Tết.
Điển hình như ngành vận tải, sau 3 tháng dừng hoạt động, từ cuối tháng 10 tới nay mới được hoạt động tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh còn khó khăn. Vừa hoạt động lại, giá xăng dầu lại tăng cao. Do đó, nếu như mọi năm thì thời điểm này các doanh nghiệp đã tính tới thưởng Tết, nhưng nay chỉ lo có việc làm cho người lao động để có thu nhập đã là may mắn.
Ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, nếu như mọi năm, tùy theo thâm niên và chức vụ, công ty sẽ có mức thưởng từ 5 – 50 triệu đồng/một nhân viên. Năm nay, có thể mức thưởng Tết chỉ tượng trưng: gồm một tháng lương cơ bản hoặc phần quà. Doanh nghiệp này cũng chia sẻ trong 4 tháng phải ngưng việc, công ty vẫn đảm bảo chế độ cơ bản cho người lao động. Công ty vẫn luôn đồng hành và phát triển cùng người lao động nhưng do dịch kéo dài nên kinh tế của công ty chưa thể hồi phục, đơn hàng thì có nhưng giá vật liệu cao khiến doanh thu giảm. Người lao động cũng hết sức đồng cảm với lãnh đạo doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dự đoán, bức tranh thưởng Tết năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả nước có 63.000 doanh nghiệp báo cáo về lương, thưởng Tết. Với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân 2,3 triệu đồng/người, thưởng cao nhất 990 triệu đồng tại một doanh nghiệp tài chính ở TPHCM; tết Nguyên đán mức thưởng bình quân 6,3 triệu đồng/người (tương đương 1 tháng lương, giảm 5% so với năm 2020).
Thế nhưng bước sang năm 2022, TP HCM lại là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và sẽ khó có thể giữ được vị trí dẫn đầu về tiền lương, tiền thưởng như các năm trước.
PV
(Tổng Hợp)