Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Trong khi đó, tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản ngày càng rõ rét…
Tình trạng mất cân đối cung – cầu đang rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Trong khi đó, nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Trong 5 năm qua, quy định nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, dẫn đến hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không thể triển khai thực hiện.
Nay chỉ cho phép thêm trường hợp được xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có đất ở hợp pháp và các loại đất khác, nhưng sẽ không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, bao gồm trường hợp nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu: 100% đất nông nghiệp, 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất hỗn hợp gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Thực tế này đang khiến thị trường căn hộ chung cư chịu tác động mạnh. Dự báo, thành phố sẽ thiếu trầm trọng nguồn hàng, giá bán phân khúc căn hộ bình dân sẽ bị đẩy sang ngưỡng mới, người có thu nhập thấp lại càng khó khăn hơn để sở hữu nhà ở và thị trường thiết lập mức giá mới là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp bình ổn giá cả thị trường và đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới cho các dự án, quan tâm hơn phân khúc căn hộ bình dân nhằm ổn định cung cầu.
Thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhất là trong quý III. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, nguồn cung bất động sản mới trên cả nước chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng đối với dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành. Cụ thể, tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép, 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành. Tại miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép, 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành. Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép, 35 dự án với 1540 căn hoàn thành.
Lượng giao dịch bất động sản bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá giao dịch bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao. Đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 70% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, diễn biến trong 6 tháng đầu năm vừa qua cho thấy, thị trường đang có sự lệch pha cung – cầu rất lớn. Các dự án chủ yếu là nhà cao cấp và trung cấp, phổ biến ở mức giá bán trên 40 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ có mức giá bình dân, dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm. Theo thống kê từ Sở Xây dựng các địa phương, tại TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm, căn hộ bình dân chiếm 0%, còn Hà Nội chiếm 8%. Căn hộ cao cấp lại đang chiếm quá nửa nguồn cung thị trường như tại TP Hồ Chí Minh, con số này là 55%. Một số doanh nghiệp thừa nhận, việc làm nhà giá rẻ hiện nay khó đạt được lợi nhuận tốt. Một số chuyên gia lý giải, giá bất động sản tăng do cung ít, mà nhu cầu đầu tư lại nhiều. Trước đây, những căn hộ chung cư 50 – 60 triệu/m2 chỉ xuất hiện ở khu vực nội đô nhưng nay các dự án nằm ở quận huyện vùng ven cũng đã nâng mức giá bán ngang nội đô.
Sự lệch pha cung – cầu ngày càng lớn trên thị trường đang gây ra lo ngại về bong bóng bất động sản khi giá tăng quá cao mà ít người đủ khả năng chi trả, chỗ thừa chỗ thiếu. Người có nhu cầu tìm kiếm các căn hộ dưới 2 tỷ đồng hiện nay buộc phải tìm ở các dự án cũ đã vào ở từ 3 – 7 năm.
Với bất động sản văn phòng (Tại Hà Nội, Tp.HCM): Ảnh hưởng do Covid-19, có mức độ khác nhau với từng loại phân khúc. Phân khúc hạng A gần như không bị ảnh hưởng, không có biến động nhiều. Phân khúc hạng B, C bị ảnh hưởng mạnh. Trả lại mặt bằng khoảng 30%. Giá cho thuê văn phòng không giảm. Nhưng phần lớn chủ mặt bằng phải hỗ trợ đơn vị thuê từ 10 – 30% giá thuê, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đơn vị thuê mới từ 2 – 3 tháng tiền thuê. Trên 50% cửa hàng bán lẻ ngoài phố phải dừng hoạt động. Các trung tâm thương mại duy trì được hoạt động nhưng đều bị ảnh hưởng bởi chỉ hoạt động loại hàng hóa thiết yếu.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)