Doanh thu chỉ bằng hơn 60% giá vốn dẫn đến Vietnam Airlines bị lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế lên 21.200 tỷ đồng, nguy cơ bị hủy niêm yết vẫn cận kề…
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy doanh thu thuần đạt 4.735 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán đến nay và giảm gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tài chính tăng vọt từ 132 tỷ trong quý III năm ngoái lên 560 tỷ quý vừa qua. Tuy nhiên, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều đi lên mạnh nên Vietnam Airlines lỗ sau thuế 3.531 tỷ đồng, tăng 17% so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với quý I và II năm nay, khoản lỗ của quý III đã giảm đi đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng của cùng kỳ. Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng, tăng lỗ hơn 3.700 tỷ so với mức 8.076 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Tính đến cuối quý 3, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng. Mặc dù hãng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng nhưng hiện vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng. Như vậy Vietnam Airlines vẫn rất cận kề nguy cơ bị hủy niêm yết nếu xảy ra 1 trong 2 trường hợp sau khi có báo cáo kiểm toán năm 2021 là lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ không xảy ra nếu mức lỗ của quý 4 dưới 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra nếu năm 2022 Vietnam Airlines vẫn không thể có lãi thì sẽ có 3 năm lỗ liên tiếp và đây cũng là 1 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Nhờ đợt tăng vốn gần đây nên tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã cải thiện hơn đáng kể. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 3 đạt gần 8.300 tỷ đồng trong khi cuối quý 2 chỉ có 1.600 tỷ đồng.
Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2-2020 dịch COVID-19 ảnh hưởng thực sự đến hàng không nên hãng này vẫn có lợi nhuận. Nhưng đến tháng 6 doanh thu của hãng chỉ đạt được trên 20.000 tỉ đồng, tương đương 53% so với cùng kỳ năm trước. Mức lỗ hợp nhất 6.500 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ 5.111 tỉ đồng.
Mức dự trữ tiền của một hãng hàng không chỉ đủ nuôi hãng đó bình quân 2,5 tháng. Với Vietnam Airlines số tiền ở tài khoản trong thời gian 2,5 tháng là từ 20 đến 25.000 tỉ đồng. Thời điểm tháng 6-2020, Vietnam Airlines chỉ còn 2.695 tỉ đồng và dự kiến tháng 8-2020 hết tiền nếu không có những giải pháp hỗ trợ. Sở dĩ Vietnam Airlines vẫn còn tiền hoạt động đến nay vì ngoài sự hồi phục của thị trường nội địa trong tháng 7 và tháng 9-2020 là hãng này tiếp tục vay ngắn hạn, giãn thanh toán với các đối tác nên có 8.000 tỉ đồng.
Đến hết tháng 9-2020, hãng còn 1.938 tỉ đồng nhưng từ tiền vay ngân hàng tăng và giãn nợ quá hạn. Nếu không tiếp cận được vốn vay và giãn nợ thì hết tiền từ lâu rồi. Để “sống sót” đến nay, Vietnam Airlines đã cắt giảm triệt để chi phí hoạt động, tiết giảm được 5.335 tỉ đồng.
Trong đó, quyết định khó khăn nhất là cắt giảm lương, đồng thời đàm phán với ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay, tăng thêm hạn mức cho vay ngắn hạn và lùi hạn trả nợ các khoản vay dài hạn với ngân hàng trong nước, đối tác nước ngoài… Đến hết tháng 9-2020, nợ đến hạn phải trả nhưng được gia hạn là 4.260 tỉ đồng, số này sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, đạt khoảng 6.000 tỉ đồng. Để đảm bảo thanh khoản, sống sót vượt khó không chỉ là nỗ lực của Vietnam Airlines mà cả sự hỗ trợ của đối tác, bạn hàng và chính sách về thuế, phí của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)