Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định số 1962/QĐ-TTg về việc thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương…
Các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng của 6 tổ này. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó sẽ giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tổ công tác có nhiệm vụ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đặc biệt, tổ công tác có quyền hạn yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, cử cán bộ phối hợp thực hiện và giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hiện tại Trung ương đã phân cấp rất triệt để và giao vốn rất sớm cho các bộ, ngành, địa phương. Việc giải ngân chậm có những nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Tổ công tác của Chính phủ sẽ tăng cường, kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện, rà soát các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
“Tôi xin một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này, để xem làm rõ mắc ở đâu và trách nhiệm thuộc ai”, Bộ trưởng nói. Đối với việc xây dựng các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và kích thích kinh tế, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ của các nước trên thế giới là thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật kỷ cương tài chính, chấp nhận tăng nợ công… qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
PV
(Tổng Hợp)