Kênh vay vốn trực tiếp từ các ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, mặc dù được xếp vào lĩnh vực rủi ro và được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước nhưng cho vay bất động sản tại nhiều ngân hàng tư nhân tăng mạnh…
So với phương thức truyền thống là tín dụng từ NHTM, phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế như không cần tài sản thế chấp, đồng thời được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà bị ngân hàng giám sát. Trong khi đó, điều kiện, thủ tục vay vốn ngân hàng có phần phức tạp và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ của NHNN như hệ số rủi ro cho vay bất động sản, chứng khoán tăng, tỷ lệ LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm.
Một ngân hàng tư nhân cũng đẩy mạnh tín dụng bất động sản là VIB. Dư nợ cho vay lĩnh vực này của VIB tăng đến 35,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với đầu năm, đạt 80.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng. Cho vay bất động sản và mua ô tô là hai mảng kinh doanh chính của VIB. Với 87% tỷ trọng là cho vay bán lẻ, có thể thấy rằng các khoản cho vay bất động sản tại VIB tập trung chủ yếu vào cho vay cá nhân mua nhà.
Có thể nhận thấy các con số tăng trưởng cho vay bất động sản tại hai ngân hàng này đều cao hơn hạn mức tín dụng chung (vừa được cấp mới vào quý III) là 17,1% (Techcombank) và 14,1% (VIB). Theo số liệu báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng (có thuyết minh chi tiết), số dư cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm. Một số ngân hàng như MSB, TPBank, Kienlongbank, Bản Việt ghi nhận tăng trưởng tới hai chữ số.
Tuy nhiên, cũng có những nhà băng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm phải kể đến như VPBank, Vietbank và PG Bank. Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản tại PG Bank giảm mạnh nhất 23,8% sau 9 tháng xuống còn 1.204 tỷ đồng. Tại VPBank, một trong những ngân hàng cổ phần có giá trị cho vay lớn, dư nợ kinh doanh bất động sản giảm nhẹ 3,1% trong khi cho vay cá nhân mua nhà tăng gần 35% đạt hơn 49.000 tỷ đồng. Nếu tính cả hai mảng này thì dư nợ đạt 84.811 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm, cao hơn room tín dụng mới được nới thêm (12,1%).
Tại Techcombank, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,2% so với đầu năm và chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng có thể lên tới 74% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà. Tính đến 30/9, cho vay mua nhà của ngân hàng (chiếm 79% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 109.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm và chiếm 34% tổng dư nợ của ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng là một trong hai người mua chủ đạo trên thị trường và đang ôm lượng trái phiếu bất động sản lớn. Có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các NHTM mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng lượng phát hành. Trong đó, chỉ một số ít trái phiếu được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán, phần lớn số trái phiếu phát hành chỉ được bảo lãnh phát hành, tức ngân hàng và các CTCK sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại trong trường hợp không phát hành hết. Điều này cho thấy ngân hàng đang khá rộng tay trong việc rót vốn cho doanh nghiệp qua kênh phát hành trái phiếu.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)