Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện đủ loại hình doanh nghiệp huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết và cả doanh nghiệp chưa niêm yết đều phát hành trái phiếu…
Liên tiếp từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021, Bộ Tài chính phát đi nhiều cảnh báo về rủi ro trái phiếu BĐS. Mới đây, trong tháng 10, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu.
Không chỉ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng nhiều lần cảnh báo về trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS trong các báo cáo quý về thị trường BĐS. Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, ngoài việc cảnh báo rủi ro với nhà đầu tư, Bộ Xây dựng còn đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu DN lĩnh vực BĐS, nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện đủ loại hình DN huy động vốn thông qua trái phiếu DN chưa niêm yết và cả DN chưa niêm yết đều phát hành trái phiếu. Ngày 5/11 vừa qua, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Crystal Bay phát hành thành công 4,5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thu về 450 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn ba năm từ 5/11/2021 đến 5/11/2024 với lãi suất cố định 9,5%/năm. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu vừa phát hành là 78,2 triệu cổ phần của Crystal Bay. Liên quan đến lô trái phiếu nói trên, tổ chức tư vấn phát hành, đăng ký và lưu ký là Công ty CP Chứng khoán VnDirect.
Một báo cáo mới được công bố bởi FiinGroup cho thấy, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giai đoạn trì hoãn lại sau khi Nghị định 153 và 155 đi vào hiệu lực. Trong đó, ngành bất động sản với giá trị phát hành 172 nghìn tỷ đồng, chiếm nhiều nhất 40% trong cơ cấu phát hành trái phiếu. Tiếp theo là Ngân hàng với 116 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị phát hành.
Top 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất 9 tháng năm 2021 bao gồm 11 ngân hàng và 9 doanh nghiệp bất động sản. Đối với riêng nhóm bất động sản, Công ty CP Hưng Thịnh Land có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất với 7.950 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas – một công ty có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Masterise, với giá trị phát hành 7.200 tỷ đồng. VinGroup đứng thứ ba với giá trị 6.976 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty Cổ phần Osaka Garden phát hành giá trị 6.800 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương 4.670 tỷ đồng, cả hai doanh nghiệp này cũng đều có liên quan với Masterise. Như vậy, chỉ tính riêng nhóm liên quan đến Masterise, giá trị phát hành đã lên đến 18.670 tỷ đồng. Top 9 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất còn có Công ty CP Đầu tư GoldenHill; Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An; Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn; Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Nếu xét về lãi suất trong top 9 doanh nghiệp bất động sản này thì Công ty Cổ phần Osaka Garden hiện đang là doanh nghiệp trả lãi suất trái phiếu cao nhất, lên đến trung bình 13,28%/năm. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương với lãi suất 12,9%/năm. Đứng thứ ba là Công ty CP dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn với lãi suất 10,61%/năm.
Trong đó, riêng lô trái phiếu của Osaka Garden và Hoàng Phú Vương cũng được xem là mức chi trả lãi suất cao kỷ lục, hiếm có đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các lô trái phiếu này được phát hành nhằm mục đích tài trợ cho việc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An (Tp.HCM) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư. SDI Corp trước đây từng được biết đến là thành viên của Tập đoàn Him Lam. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, một tập đoàn địa ốc lớn khác đã thay thế nhóm Him Lam, “cầm cờ” tại SDI. Dấu hiệu rõ nhất là bà Mai Thị Kim Oanh – Trưởng ban Kiểm soát Mastarise Group hiện đang làm Chủ tịch HĐQT SDI Corp.
Ngày 16.11, Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Công ty chứng khoán SSI công bố cho thấy các doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về hoạt động này. Cụ thể trong quý 3/2021, tổng cộng các doanh nghiệp phát hành 188.000 tỉ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội tác động đến kế hoạch phát hành của doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 3/2021 vẫn ở mức cao so với trung bình các năm trước. Bất động sản và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 tổ chức phát hành chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)