Nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa thể tham gia thị trường ngay trong thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó căn hộ bình dân dường như “cạn kiệt”…
Sự khan hiếm nguồn cung cộng với thuế đất, giá nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công gia tăng có thể sẽ khiến giá BĐS tiếp tục tăng cao. Người có thu nhập trung bình muốn sở hữu nhà đã khó lại càng khó.
Phần lớn các dự án tại TP HCM gặp trục trặc về pháp lý, dẫn đến đình trệ. Trong khi đó các dự án tại Bình Dương khá đầy đủ và rõ ràng về pháp lý do quy trình thủ tục nơi đây nhiều thuận tiện hơn. Khách hàng ở TP HCM cũng có xu hướng tìm đến những khu vực lân cận để ở, đầu tư, nơi có mức giá phù hợp và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Việc tăng giá căn hộ đang gây áp lực rất lớn đến khả năng tiếp cận của đại đa số tầng lớp người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập trung bình, thấp. Trong khi thị trường đang đầy rẫy những căn nhà có giá vài chục tỷ đồng để không, khó hấp thụ thì phân khúc dành cho nhóm nhà ở có nhu cầu thật rất lớn tại các đô thị lại có nguồn cung ít ỏi. Dịch bệnh vừa qua khiến hàng triệu lượt người lao động ở các thành phố lớn buộc phải hồi hương. Một phần nguyên nhân lớn là do họ không chịu nổi không gian chật hẹp, bí bách ở nhà trọ. Vấn đề nhà ở cho những người thu nhập thấp lại càng đặt ra cấp bách hơn trong đại dịch.
Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3-2021 của Bộ Xây dựng, giá rao bán nhà ở, đất nền tại các địa phương nêu trên cơ bản vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng mạnh hoặc giảm giá sâu. Giá rao bán bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa giảm 2-4%, trong khi tại các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng. Tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương 4%, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu 5%. Tại trung tâm các đô thị, căn bộ bình dân giá 25-30 triệu đồng/m2 biến mất, các dự án nhà ở thương mại hầu như không có căn hộ mức dưới 25 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát, hiện nay đa số các dự án chung cư mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp có giá bán dao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2. Trong khi Bộ Xây dựng cho biết căn hộ bình dân mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 phù hợp với tài chính của đại bộ phận cư dân trẻ đô thị lại rất ít, nếu có thì lại quá xa trung tâm.
Nguyên nhân chính là do cơ cấu sản phẩm đang có sự lệch giữa cung và cầu. Cụ thể, sản phẩm BĐS của hai thị trường trên phần lớn là căn hộ, chiếm tỉ trọng từ 80 – 90% tổng nguồn cung, trong đó các dòng sản phẩm thuộc phân khúc nhà bình dân rất ít mặc dù phân khúc này đáp ứng được đòi hỏi của đại đa số người lao động trong xã hội. Vì thế có thể thấy, trong khi nhu cầu về nhà bình dân rất lớn nhưng thị trường Hà Nội và TP.HCM lại thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
Khi giá nhà bị đưa lên quá cao thì nó chỉ phù hợp với một số đối tượng nằm ở nhóm siêu giàu và tỉ lệ rất nhỏ tại Việt Nam, còn lại không đáp ứng được đại bộ phận người dân. Và cũng chính vì giá cao nên tỉ lệ hấp thụ của các phân khúc căn hộ ở hai thị trường này không nhiều, mặc dù vẫn có giao dịch nhưng tỉ lệ không đạt được như những kỳ trước.
Giới phân tích đánh giá, tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ nhập cư cao tại các thành phố lớn hiện nay dẫn đến nhu cầu cao về nhà ở. Bên cạnh đó, đất nền và căn hộ chung cư là hai phân khúc ít chịu tác động nhất của dịch bệnh, nhưng nguồn cung hiện chưa đáp ứng đúng nhu cầu, phân khúc bình dân khan hiếm.
Thời gian trả góp mua NƠXH đã được nâng lên 25 năm, số tiền trả hằng tháng cũng nhỏ hơn so với quy định 10-15 năm như trước đây. Tuy nhiên, để mua được nhà, người lao động phải có khoản tiết kiệm 200-300 triệu đồng. Với mức thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng và mặt bằng giá hiện tại, phần lớn công nhân chỉ có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu ở TP.HCM chứ khó tích lũy. Do đó, Nhà nước cần dành một phần nguồn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng tập trung cho khu vực tư, tức hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, xây dựng các khu ký túc xá, khu lưu trú bảo đảm an toàn cho người lao động, giữ họ ở lại với TP.HCM theo chia sẽ của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
Từ năm 2021, người dân sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn đứng trước bài toán thách thức làm sao để sở hữu nhà ở khi mức độ tăng giá bất động sản cao hơn nhiều lần so với mức tăng thu nhập. Theo giới chuyên gia đánh giá lựa chọn mua căn hộ có thể là lời giải cho bài toán này.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)