Làn sóng Covid-19 lần 4 đã và đang làm giảm mạnh sức mua, ngưng trệ giao dịch, các hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư trên thực tế gần như bị trì hoãn. Cùng với đó là tăng áp lực giảm giá, biên lợi nhuận của các phân khúc thị trường bất động sản…
TP.HCM là thị trường chịu tác động mạnh nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Gần như toàn bộ thị trường bất động sản tại thành phố này cùng các địa phương liền kề phía Nam đều phải tạm ngưng giao dịch trong suốt 3 tháng vừa qua. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng tại TP.HCM gần như “chết đứng” do giao dịch đình trệ, tòa nhà văn phòng đóng cửa, công trình dừng thi công… Vì vậy, khi bước sang quý IV, TP.HCM cần nhiều thời gian hơn cho quá trình tái khởi động, vực dậy của các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.
Trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất,… thì mới được phép ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Với đặc thù này, các doanh nghiệp không phụ thuộc vào tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán, mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Chính vì vậy, cùng với việc chuẩn bị về chiến lược bán hàng mới, các doanh nghiệp cũng tranh thủ thời gian “nghỉ ngơi” vì dịch bệnh để tiến hành cơ cấu hoạt động, tiết giảm chi phí, góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, quý 4 này được dự báo là thời điểm mà các doanh nghiệp bất động sản bùng nổ kinh doanh. Trên thực tế, kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiêoj đã cho thấy khả năng thích ứng và sức chống chịu của thị trường đã được nâng lên, niềm tin của nhà đầu tư vẫn lớn.
Bước sang tháng 10, TP.HCM cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và phần nào hướng đến mục tiêu tiêm vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, nhu cầu giao dịch nhà đất được thúc đẩy trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, mức hồi phục này vẫn sẽ chậm hơn so với thị trường Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Hiện nay, thị trường bất động sản đang ghi nhận những tín hiệu tốt như: Bộ Xây dựng đang cùng các Bộ, ngành nghiên cứu chỉnh sửa Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng và Luật Đất đai. Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới.
Các công ty bất động sản cần linh hoạt điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh trong tâm thế xác định sống chung với dịch; ưu tiên tập trung vốn vào các dự án có triển vọng thị trường; nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như giãn tiến độ thanh toán, tăng chiết khấu, giảm giá thuê và phí dịch vụ cho khách thuê văn phòng hoặc áp dụng chính sách tái ký hợp đồng thuê với mức tăng thấp hơn giai đoạn trước dịch; bảo đảm uy tín về thời hạn bàn giao và chất lượng sản phẩm bất động sản theo cam kết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để bán sản phẩm cho khách hàng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài…
Dù phải trải qua thời gian khó khăn của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng kết thúc quý III/2021, nhiều doanh nghiệp địa ốc lần lượt thông báo kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng tốt, nhiều đơn vị ghi nhận lợi nhuận đột biến, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Điều này được cho là nghịch lý trong bối cảnh dịch bệnh, không ít các công ty địa ốc quy mô nhỏ phải gồng mình cầm cự, hoặc đóng cửa hoặc loay hoay tìm bài toán sinh tồn.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)