Nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room trong thời gian tới…
Tính đến hết quý 3/2021, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt, đạt 7,8% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tích cực hơn, đạt 8,8%.
Chi tiết hơn, một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB và MSB. Đáng chú ý, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB và TPBank.
Sau khi thống kê báo cáo tài chính quý 3/2021, KBSV nhận thấy, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội, dù cần thêm một vài quý để đánh giá chính xác.
Ở khía cạnh tăng trưởng cho vay, với việc tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ và ít có khả năng thắt chặt trở lại, các chuyên gia cho rằng nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
Theo thống kê, có 11/13 ngân hàng được nới room tín dụng đợt này. Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17,4%. Sở dĩ 2 nhà băng này được nới room tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài TP Bank, một số ngân hàng được nới room tín dụng lên từ 13% – 16% gồm: Techcombank (17,1%), MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), LPB (13,1%). Các ngân hàng còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5% gồm: VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng NHNN cho biết, dựa vào xếp hạng A, B, C của từng TCTD để cấp hạn mức tín dụng. Trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ 03 tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Theo đó, các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được ưu tiên xem xét. Đây cũng chính là lý do khiến Techcombank được cấp tín dụng cao nhất.
Đánh giá về nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành. Các ngân hàng được đánh giá là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn với chất lượng tín dụng cao nhằm hạn chế rủi ro. BSC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 13% trong năm 2021, giảm 1% so với dự báo trước đó.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Riêng khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 9 và tăng 10,4% so với đầu năm.
Hiện tại, dù chưa nới lỏng điều kiện cấp tín dụng nhưng nợ xấu ngành ngân hàng đã tăng mạnh so với thời gian trước dịch Covid-19. Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% trong khi cuối năm 2020 là 5,08%.
Xét riêng tại nợ xấu nội bảng, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Đáng chú ý, không chỉ nợ xấu tăng nhanh mà công tác xử lý nợ xấu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ tháng 6/2021 đến nay, hoạt động mua bán nợ xấu tại đơn vị gần như bị “tê liệt”.
Theo đó, các kế hoạch kinh doanh được VAMC đặt ra tại đầu năm 2021 như mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mua nợ theo giá thị trị thị trường, xử lý thu hồi nợ khó có thể hoàn thành.
Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (LLR) sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch. Tỷ lệ LLR của VCB là 243% (mức cao nhất ngành), cho phép VCB linh hoạt hơn trong việc giảm trích lập dự phòng, từ đó giúp thúc đẩy lợi nhuận Q4/2021 và 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)