Những năm qua, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/nhà ở cho người dân bị chậm vì quy trình tính giá sử dụng đất đang bị tắc. Đáng nói, việc chậm trễ đóng tiền sử dụng đất không phải do phía doanh nghiệp chây ì, trốn tránh trách nhiệm mà nghịch lý là doanh nghiệp muốn đóng cũng không được. Nhà ở chưa ra được sổ hồng người dân trông chờ mỏi màng, chủ đầu tư khổ sở không thể làm gì hơn…
Người dân căng băng rôn đòi sổ hồng “dai dẳng” suốt những năm qua vẫn chưa có hồi kết. Mua căn hộ chung cư, dọn vào ở nhiều năm nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là nỗi khổ chung của nhiều cư dân sống trên địa bàn Tp.HCM. Mới đây trên địa bàn TP lại tiếp tục xuất hiện hàng loạt tình trạng cư dân vác băng rôn đi đòi sổ hồng, sau rất nhiều những vụ diễn ra trước đó. Họ chỉ nghĩ rằng, CĐT thờ ơ với việc cấp sổ hồng cho dân, nhưng thực tế, “cái khó bó cái khôn”, nhiều doanh nghiệp địa ốc vào thế khó vì việc ra sổ hồng phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan nhà nước.
Theo hầu hết các doanh nghiệp BĐS, việc chậm cấp sổ hồng tại các dự án trong thời gian dài khiến hầu hết người dân bức xúc và doanh nghiệp gặp khó. Đặc biệt, trong thời gian qua, cùng với những khó khăn do dịch bệnh đã làm cho tâm lý khách mất kiên nhẫn. Có nhiều dự án, người dân rất háo hức để chờ nhận sổ từ chủ đầu tư nhưng đến thời điểm hiện tại, hồ sơ xin cấp sổ của dự án doanh nghiệp vẫn phải chờ. Do đó, nỗi niềm của hầu hết các doanh nghiệp BĐS hiện nay là mong nhà nước sớm tháo gỡ những ách tắc liên quan đến thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ cho các chủ đầu tư, dự án.
Sáng ngày 11/11/2021, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM Nguyễn Toàn Thắng đã chủ trì Hội nghị về đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn Tp.HCM. Theo đó, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh công tác này. Thông tin này đang được cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp BĐS mong đợi và kì vọng sớm thực thi để cùng gỡ khó cho các bên.
Đại diện Sở TN-MT TP HCM thừa nhận, tính đến nay số lượng nhà đất chưa được cấp sổ hồng vẫn còn rất nhiều mặc dù người mua đã nhận bàn giao nhà và vào ở ổn định. Ðiều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðặc biệt, tình trạng đó chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân tại các dự án phát triển nhà ở, cũng như ảnh hưởng uy tín của chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho hay, nhiều chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, thậm chí có trường hợp đã được thành phố xác nhận hệ số sử dụng đất không thay đổi nhưng gần cả năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Hiệp hội đã đề xuất tháo gỡ vấn đề này rất nhiều lần nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Hiện Tp.HCM có hơn 63.000 căn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, trong đó có 37.421 căn hộ, nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận của những dự án đã có văn bản thẩm định cấp giấy chứng nhận. Trong số này, có 7.998 căn hộ đã được chủ đầu tư dự án hoặc người mua nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát, 29.423 căn chưa nộp hồ sơ. Số còn lại là nhà ở tại những dự án người mua nhà đã nhận nhà đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng chưa có văn bản thẩm định cấp giấy chứng nhận theo quy định. Nguyên nhân là do vướng mắc nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra, vi phạm trong xây dựng…
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM cho biết mục tiêu là từ nay đến tháng 12/2023, Sở sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án để giải quyết cấp sổ hồng cho 37.421 căn; đồng thời, tập trung tháo gỡ những dự án còn vướng mắc như có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch… và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, officetel).
Sở TN- MT sẽ chủ động cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở. Hoàn thiện, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ. Cụ thể: trong công tác tiếp nhận hồ sơ, phải đảm bảo được số lượng hồ sơ nộp được nhiều nhất và trong thời gian nhanh nhất. Người mua nhà, chủ đầu tư dự án có thể dễ dàng tra cứu thông tin để biết được tiến độ giải quyết hồ sơ. Đồng thời, phối hợp với Cơ quan Thuế xây dựng quy chế phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà…
Theo chủ tịch Hiệp hội, việc tắc tiền sử dụng đất đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Người dân thì không được cấp giấy chứng nhận, còn doanh nghiệp không thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở. Bên cạnh đó, người dân khiếu kiện, tập trung đông người, căng băng rôn ở các dự án, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chủ đầu tư. “Cần sửa Luật Đất đai theo hướng phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận, huyện để thực hiện nhanh hơn, thay vì tập trung vào Sở TN&MT. Vấn đề này được giải quyết sẽ giảm bức xúc cho người dân, tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế và tạo sự lan tỏa, phục hồi thị trường bất động sản sau dịch Covid-19”, ông Châu từng kiến nghị.
Thực tế, hàng chục ngàn căn hộ của hàng trăm dự án trên địa bàn Tp.HCM đang bị “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) không chỉ làm ngân sách nhà nước thất thu mà còn làm khổ người dân lẫn doanh nghiệp BĐS. Vấn đề này cũng đã được nhiều cơ quan ban ngành, người dân và doanh nghiệp BĐS “than vãn”, kiến nghị suốt thời gian qua nhưng tình hình vẫn chưa mấy cải thiện.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)