Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, một số ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Đây là một yếu tố tích cực, cho phép NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm khi lãi suất huy động rục rịch tăng nhẹ trở lại…
các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB, SCB,…hầu như không thay đổi lãi suất trong suốt 2 tháng gần đây.
Hiện Vietcombank, Agribank, BIDV có lãi suất cao nhất là 5,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy; VietinBank là 5,6%/năm. Những ngân hàng này có thể sẽ có chương trình cộng thêm lãi suất khoảng 0,1-0,3%/năm khi khách hàng gửi tiền online, tùy vào từng kỳ hạn.
Lãi suất cao nhất tại MB (không tính đến các khoản tiền gửi hàng trăm tỷ) là 6,2%/năm áp dụng ở kỳ hạn 36 tháng.
Bên cạnh các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) cũng giữ lãi suất ổn định. Hiện lãi suất của Co-opBank ở mức khá tương đương với nhóm “big 4”, cao nhất là 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Việc lãi suất huy động bất ngờ tăng trở lại ở một số ngân hàng có thể do tác động của đợt dịch vừa qua khi nhiều tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách kéo dài. Những ngân hàng như Sacombank, Eximbank,…có thị trường chủ yếu ở phía Nam đã ghi nhận tiền gửi bị ảnh hưởng trong quý 3/2021. Như tại Sacombank, khách hàng đã rút ròng hơn 15.000 tỷ đồng tiền gửi trong quý 3/2021, còn Eximbank cũng ghi nhận sụt giảm 55 tỷ đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng khác hầu như giữ nguyên lãi suất trong 2 tháng qua, hoặc thậm chí giảm nhẹ tại một số ngân hàng.
Điển hình là VietCapitalBank điều chỉnh lãi suất huy động từ 25/10/2021 và giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng khi gửi online, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,85%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,15 điểm phần trăm xuống 6,05%/năm. Tương tự kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 6,4%/năm xuống 6,25%/năm
Đối với hình thức gửi tại quầy, biểu lãi suất huy động của VietCapitalBank giữ nguyên như cũ. Lãi suất huy động tháng 11 của NCB cũng giảm ở nhiều kỳ hạn so với tháng 10. Trong đó, tại kỳ hạn 18 tháng – 60 tháng, lãi suất giảm 0,2%/năm xuống 6,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,15%/năm xuống 6,25%/năm. Các kỳ hạn ngắn khác cũng giảm 0,1-0,15%/năm.
Tại Eximbank, ngân hàng tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1-0,2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5%/năm và 9 tháng giảm còn 5,4%/năm.
Sacombank đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4-0,6%/năm ở nhiều kỳ hạn, áp dụng từ 19/10/2021. Chẳng hạn, đối với hình thức gửi tại quầy, tại kỳ hạn 36 tháng, hiện Sacombank niêm yết lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm phần trăm so với khảo sát hồi đầu tháng 10. Tương tự, kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng, lãi suất cũng tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6%/năm và 5,9%/năm. Nhà băng này tiếp tục khuyến khích khách hàng gửi tiền tiết kiệm qua kênh online, lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy tới 0,5%/năm. Tương tự với hình thức gửi tại quầy, lãi suất gửi tiết kiệm online cũng tăng khoảng 0,2-0,6%/năm tùy kỳ hạn. Cụ thể, hiện lãi suất cao nhất khi gửi online tại Sacombank là 6,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, 9 tháng, 6 tháng, lãi suất lần lượt là 5,9%/năm, 5%/năm, 4,8%/năm.
Liệu đây là tín hiệu cho việc mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng trở lại khi người dân ngày càng kém “mặn mà” với gửi tiết kiệm thời gian qua?
Tĩnh Kiên
(Tổng Hơp)